Seoul (AsiaNews) – “Sự phục vụ cao cả và quà tặng lớn lao nhất mà Giáo hội có thể hiến tặng cho dân chúng Á châu là làm chứng nhân cho Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ nhân loại.” Đó là thông điệp của Đức giáo hoàng Benedict XVI gửi cho đại diện các giáo dân Công giáo nhóm họp tại thủ đô Nam Hàn từ ngày 1 đến 5 tháng 9. Trong bản văn do Đức giáo hoàng ký và gửi tới Hồng y Stanislaw Rylko, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Giáo dân, ngài cũng nói “tôi hy vọng rằng Hội nghị này sẽ tạo ra lời khuyến khích và phương hướng mới mẻ trong việc thực thi sứ mạng thánh thiêng này.”
Đây là lần đầu tiên một vị Giáo hoàng gửi lời chào mừng tới giáo dân châu Á để yêu cầu họ cộng tác nhiều thêm nữa trong công tác rao truyền Tin Mừng. Nhưng mối quan tâm trong việc phúc âm hóa châu lục đông dân nhất này, cũng đã là nét chủ đạo dưới triều đại của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, người lúc nào cũng nói về ngàn năm thứ ba là “thiên niên kỷ của châu Á.” ĐGH Benedict XVI nhắc lại một câu của người tiền nhiệm: “Các dân tộc châu Á cần Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người. Châu Á đang khát khao nguồn nước hằng sống mà chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể ban phát được” (Ecclesia in Asia 50) và vì thế ngài kêu gọi mọi giáo dân ở Á châu” cộng tác tích cực không chỉ để kiến tạo các cộng đồng Kitô giáo địa phương mà còn mở ra những con đường mới để đem Tin Mừng vào mọi khu vực trong xã hội.”
Đối với Đức giáo hoàng, nỗ lực làm chứng nhân cho chân lý của Tin Mừng phải thực hiện trong một số lãnh vực đặc thù: Tình yêu trong hôn nhân Kitô giáo và đời sống gia đình, bảo vệ quà tặng của Chúa là sự sống từ lúc hoài thai cho đến khi chết tự nhiên, yêu thương nâng đỡ người nghèo khổ và người bị áp bức, sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù và người bách hại mình, làm gương sáng về đức công bằng, lòng thành thật và tình đoàn kết tại sở làm, hiện diện trong sinh hoạt công…”
Ao ước của Benedict XVI là Hội nghị sẽ đề cao “vai trò thiết yếu của giáo dân trong sứ vụ của Giáo hội.” Khi “tìm được Đức Giêsu trong sự thật, niềm vui và vẻ mỹ lệ”, họ sẽ mang “ơn huệ này đến cho những người khác nữa.”
“Dũng cảm trước những khó khăn, hoặc nhiệm vụ lớn lao trước mặt, họ sẽ tín thác vào sự hiện diện nhiệm mầu của Chúa Thánh Thần, đấng luôn luôn hoạt động trong tâm hồn mỗi cá nhân, trong tập tục và văn hóa của họ, để huyền nhiệm mở ra những cánh cửa cho Đức Kitô – đấng là đường, sự thật và sự sống” (Gioan 14:6) và thỏa mãn được mọi nguyện vọng của con người.”
Tại Hội nghị Giáo dân, một thông điệp của Tổng thống Hàn quốc Lee Myung Bak cũng được ông Bộ trưởng Văn hóa tuyên đọc. Trong thông điệp của vị tổng thống theo đạo Tin Lành này, ông nhấn mạnh đến giá trị của Giáo hội Công giáo địa phương, đã “lớn mạnh qua khổ đau và tuẫn đạo” cũng như đã đóng góp vào “sự trưởng thành và hòa giải tinh thần cùa xã hội Hàn quốc.”
Đối với Tổng thống Hàn quốc, châu Á đã đạt được “một sự phát triển lớn lao về văn hóa và kỹ thuật”, nhưng con người đã đặt ưu tiên vào “lòng tham”, làm hại đến “sự hài hòa và vẻ đẹp của thế giới”. Theo ông, Hội nghị này sẽ củng cố “sự hòa giải và hợp tác ra bên ngoài biên giới của các quốc gia.” Nam Hàn là tấm gương sáng về tình trạng “nhiều tôn giáo khác nhau đã được thiết lập và phát triển để chung sống trong một bầu khí hòa bình.”