Kính thưa Quí Cha, Quí Tu Sĩ, Quí Ban Tổ chức, cùng anh em trong Ban Giám khảo và Cộng đoàn Dân Chúa.
Trước hết con xin cám ơn Ban Tổ chức và anh Cao Huy Hoàng đã có nhã ý mời và tin tưởng giao cho con một trách nhiệm trong Ban Giám khảo, một công việc khó khăn và khá tế nhị, bởi thi ca là một trong những môn nghệ thuật khó đánh giá và chấm điểm nhất, vì độ mở của nó và cảm nhận chủ quan của mỗi người chấm. Tuy nhiên, con cảm nhận rằng, khi hoàn thành công việc với trách nhiệm và tình yêu thì chính bản thân mình sẽ học được rất nhiều điều bổ ích.
Điều con muốn chia sẻ là: nếu ai có khả năng cảm nhận được thơ đạo và nhất là thơ cầu nguyện thì hãy chia sẻ phương cách mà mình cảm nhận được để mọi người cùng hiểu biết. Có như thế, chúng ta sẽ sử dụng và phát huy tiếng Việt ngày càng trong sáng hơn, thơ Công giáo sẽ là một nét văn hóa độc đáo trong nền văn hóa của dân tộc, để có thể so vai cùng các nền văn hóa khác trên thế giới. Tất cả điều đó giúp mọi người hiểu nhau để yêu mến Chúa và yêu mến anh em, hầu làm sáng Danh Chúa. Trong ước nguyện đó, con mạnh dạn viết lại một số cảm nhận của mình qua đợt chấm thơ “Viết về người bạn đời” với những góp ý qua các ví dụ cho mỗi thể thơ.
Sau nữa, về phần mình với khả năng giới hạn, con xin Quí Cha, Quí Tu Sĩ, Quí Ban Tổ chức, cùng anh em trong Ban Giám khảo, Cộng đoàn Dân Chúa cùng tất cả các tác giả dự thi hãy rộng lòng, đừng chấp nhất những thiển ý của con khi đọc những cảm nhận khá chủ quan này.
I. VỀ CÁCH TỔ CHỨC
1. Mặc dù chưa gặp nhau trực tiếp, nhưng Ban Giám Khảo đã hợp tác, bàn luận, thống nhất phương pháp chấm điểm một cách khách quan cho tất cả các thể thơ dự thi.
2. Ban Giám Khảo đã có một số kinh nghiệm trong đợt chấm thơ “Sen giữa lầy” và “Nhánh Huệ Nước Trời” nên việc chấm thơ cũng thực hiện được nhanh hơn.
3. Ban Tổ Chức gửi từng đợt khoảng 10 - 15 bài nên việc chấm thơ đỡ vất vả, giúp cho Ban Giám Khảo có thời gian “ngâm cứu” lâu hơn để học hỏi thêm những bài thơ mà “ý tại ngôn ngoại”. Bởi vì không hẳn người chấm thơ đã làm thơ hay hơn, có hồn hơn những người dự thi, do đây là môn nghệ thuật ngôn ngữ tạo cảm xúc.
4. Đây là đề tài rất rộng nhưng số người tham dự còn khiêm tốn chỉ vỏn vẹn có 93 bài. So với cuộc thi thơ “Sen giữa lầy” và “Nhánh Huệ Nước Trời” chỉ với một nội dung nói về đức khiết tịnh mà mỗi lần có đến hơn 500 bài thơ dự thi. Vì thế, nên có phương cách phổ biến rộng rãi để mọi người cùng biết và tham gia nhằm phát triển và phát hiện thêm những tài năng mới trong làng thơ Công Giáo Việt Nam.
5. Vì đề tài mở về nội dung cho mọi hình thức thể thơ nên ai cũng có thể chọn phong cách diễn đạt riêng cho mình, chứ không chỉ bó hẹp trong một thể thơ nhất định. Điều này giúp cho người chấm thơ không những khỏi nhàm chán mà còn đòi hỏi họ phải tìm đọc nhiều tài liệu hơn, nhằm tránh những nhận xét phiến diện.
II. VỀ HÌNH THỨC THƠ
1. Thể thơ:
Đối với thể thơ tự do thì không quy định số chữ trong mỗi câu thơ. Nhưng khi đã chọn một thể thơ nào đó để diễn tả cảm xúc của mình thì nên tôn trọng cách kết cấu của thể thơ đó.
Ví dụ 1: bỏ bớt từ để làm cho câu thơ cô đọng hơn
“Vui bên nhau từng bữa cơm thanh đạm
Hòa cùng nhau trong nhịp sống rộn ràng
Có nhau cùng trong những lúc gian nan
Căn nhà ấm nồng nàn tiếng nô đùa con trẻ.
(T076 – Tình chẳng thể phân chia)
Đây là bài thơ 8 chữ vần ôm lại xen một câu cuối 10 chữ xét ra không cần thiết mà có thể tóm lại 8 chữ như sau:
“Vui bên nhau từng bữa cơm thanh đạm
Hòa cùng nhau trong nhịp sống rộn ràng
Có nhau cùng trong những lúc gian nan
Nhà nồng ấm tiếng nô đùa con trẻ
Ví dụ 2: rút gọn từ để tạo thành một thể thơ hoàn chỉnh
Có bài thơ sử dụng nhiều hư từ không cần thiết, làm câu thơ nặng nề hoặc luộm thuộm tựa như một câu văn chưa hoàn chỉnh. Nếu tác giả biết cắt xén, tóm gọn lại một chút thì bài thơ sẽ cô đọng và hay hơn.
Dựa theo thể thơ 5 chữ của khổ thơ cuối của tác giả, ta có thể chuyển toàn bộ bài thơ thành thể thơ 5 chữ mà vẫn giữ được nội dung và ý của tác giả.
Bản chính (Bài T071 – Tình anh)
|
Bản đề nghị
|
Chúa đã cho em ba lần mang nặng
Sinh cho anh những viên ngọc đẹp ròng
Nhưng cả ba lần mang thai đều dọa sẩy
Là ba lần anh trăn trở vì em.
|
Chúa đã thương cho em
Được ba lần mang nặng
Để mong sinh cho anh
Những viên ngọc đẹp ròng
Ba lần đều dọa sẩy
Anh trăn trở vì em.
|
Đêm trên giường bệnh
Em chợp mắt, giấc tròn
Anh hành lang gió lạnh
Không đệm ấm, không chăn êm.
|
Đêm khuya trên giường bệnh
Em chợp mắt, giấc tròn
Anh hành lang gió lạnh
Không đệm ấm, chăn êm.
|
Con đầu tiên chào đời
Anh vui không diễn tả thành lời
Nói cười hối hả, bước chân vội vã
Theo cô y tá, hỏi con nặng bao nhiêu
Anh không màng đến điều giới tính.
|
Con đầu tiên chào đời
Anh vui không thể tả
Miệng nói cười hối hả
Chân bước đi vội vã
Theo hỏi cô y tá
Cháu bé nặng bao nhiêu
Chẳng màng điều giới tính.
(Tạo thành hai câu đối ý)
|
Lần ba đâu dự định
Em lại có thai, mình có con trai
Nhưng ở lần thứ hai
Em sinh con vẫn là con gái
Vậy mà em vẫn thấy
Nụ cười trong anh.
|
Lần ba đâu dự định
Em thấy mình có thai
Vui là được con trai
Nhưng ở lần thứ hai
Con vẫn là con gái
Vậy mà em vẫn thấy
Nụ cười tươi trong anh.
|
Hạnh phúc ươm mầm xanh
Cho ân tình càng thắm
Tình yêu anh sâu lắng
Trong tâm hồn của em
Chúa cho tình đẹp thêm.
|
Hạnh phúc ươm mầm xanh
Cho ân tình càng thắm
Tình yêu anh sâu lắng
Trong tâm hồn của em
Chúa cho tình đẹp thêm.
(Khổ thơ này giữ nguyên không thay đổi)
|
Ví dụ 3:
Cần phân bố các khổ thơ hợp lý để tạo thành thể thơ chủ yếu của bài thơ. Ví như bài thơ sau đây nên phân bố lại các câu thơ để tạo thành thể thơ song thất lục bát thì hợp bố cục và hay hơn.
Bản chính (Bài T072 – Tình yêu bền vững)
|
Bản đề nghị
|
Tình anh như sóng cồn cào
Dâng như biển lớn, chảy vào lòng em
Tình em như ánh sao đêm
Dịu dàng đằm thắm, thắp lên tình hồng.
|
“Tình anh như sóng cồn cào
Dâng như biển lớn, chảy vào lòng em
Tình em như ánh sao đêm
Dịu dàng đằm thắm, thắp lên tình hồng
Tình yêu đầy những ước mong
Mong sao hạnh phúc, mong cho vuông tròn
|
Tình yêu đầy những ước mong
Mong sao hạnh phúc, mong cho vuông tròn
Mong muôn thuở sắc son bền bỉ
Mong người yêu chung thủy trọn đời
|
Mong muôn thuở sắc son bền bỉ
Mong người yêu chung thủy trọn đời
Dù cho vật đổi sao dời
Tình yêu bền vững như lời Chúa ban.
|
Dù cho vật đổi sao dời
Tình yêu bền vững như lời Chúa ban
Nhưng cạm bẫy thế gian đầy lối
Khiến con người tội lỗi gớm ghê
|
Nhưng cạm bẫy thế gian đầy lối
Khiến con người tội lỗi gớm ghê
Vì yêu trần thế đê mê
Đắm theo tư dục vội quên lời thề.
|
Vì yêu trần thế đê mê
Đắm theo tư dục vội quên lời thề
Để người ở lại tái tê đau đớn
Để trẻ thơ khốn khổ lầm than
|
Để người ở tái tê đau đớn
Để trẻ thơ khốn khổ lầm than
Cảnh nhà cửa, cảnh nát tan
Trẻ thơ nhỏ dại lạc đàn từ đây.
|
Cảnh nhà cửa, cảnh nát tan
Trẻ thơ nhỏ dại lạc đàn từ đây
Vì cuộc sống ngày mai tươi sáng
Vì Thiên Đàng rực rỡ Chúa ban
|
Vì cuộc sống ngày mai tươi sáng
Vì Thiên Đàng rực rỡ Chúa ban
Xin đừng mê đắm trần gian
Tham lam, trộm cướp…uế nhơ linh hồn.
|
Xin đừng mê đắm trần gian
Tham lam, trộm cướp…uế nhơ linh hồn
Xin Chúa giữ cho con thánh sạch
Trọn cuộc đời phước hạnh trong Ngài
|
Xin Chúa giữ cho con thánh sạch
Trọn cuộc đời phước hạnh trong Ngài.
|
2. Vần trong thơ:
Ngoài trừ thể thơ tự do viết như văn xuôi rất ít hợp vần, còn lại các thể thơ khác đều có quy định cách hợp vần giữa các câu thơ với nhau. Chính sự hợp vần này mà thơ khác với văn. Tuy nhiên, có một số tác giả viết văn hơn là làm thơ và đôi lúc không chú ý đến cách hợp vần, khiến cho bài thơ trở thành bài văn hoặc đơn điệu nhàm chán hoặc trúc trắc khó đọc không tạo được cảm xúc.
Ví dụ 1:
“Đêm qua hành quân về đã mệt
Anh nằm thiếp đi lúc nào không biết
Người ta bảo những khi mỏi mệt
Lúc ngủ thường hay mơ.”
(T046 – Anh mơ)
Đoạn này là văn hay là thơ? Chúng ta thử viết liên tục không xuống hàng xem thế nào.
« Đêm qua hành quân về đã mệt. Anh nằm thiếp đi lúc nào không biết. Người ta bảo những khi mỏi mệt, lúc ngủ thường hay mơ. »
Ví dụ 2:
Em không thể thiếu anh
Trên bước đường hạnh phúc
Nhà một ngày vắng anh
Cánh quạt gãy, không người thay
Trần nhà sắp rơi, không người sửa
Những lúc ấy điện thoại reo inh ỏi
Anh ơi, nhà mình… Rồi con gọi
Ba ơi nhà mình…
(T085 – Em không thể thiếu anh)
Đọc đoạn này tôi có cảm giác đây là một bức thư vợ gửi cho chồng hơn là một bài thơ. Cái khác biệt chẳng qua là mỗi câu xuống hàng với ba chấm lửng. Chúng ta có thể đọc lại đoạn thư này:
“Em không thể thiếu anh, trên bước đường hạnh phúc. Nhà một ngày vắng anh, cánh quạt gãy, không người thay, trần nhà sắp rơi, không người sửa. Những lúc ấy điện thoại reo inh ỏi: “Anh ơi, nhà mình…”. Rồi con gọi: “Ba ơi nhà mình…”
Ví dụ 3:
“Tình nghĩa sâu nặng dài lâu
Vượt qua sóng gió cùng nhau suốt đời.
Bao nhiêu ân nghĩa trên đời
Đôi ta vẫn sống một đời hồng ân.
(T092 – Viết về anh)
Lập lại 3 chữ “đời” trong ba câu thơ liên tục là điều không nên làm trong cách hợp vần của thơ lục bát.
Để tránh lỗi trùng vần và chưa đúng luật bằng trắc trong câu lục thứ nhất, đoạn thơ này nên thay một số từ và kết hợp kỹ thuật tu từ bằng cách đảo từ và tách cặp từ « tình nghĩa » và cặp từ « sâu nặng » tạo thành một tiểu đối và nhịp 2 / 2 / 2 trong câu lục như sau:
“Tình sâu / nghĩa nặng / dài lâu
Vượt qua sóng gió cùng nhau suốt đời.
Bao nhiêu ân nghĩa muôn nơi
Đôi ta vẫn sống một trời hồng ân.
3. Ngôn ngữ thơ cần trong sáng:
Ví dụ 1: sử dụng ngôn từ thực quá làm mất tính thơ
Ngày xưa “tiền mua được tiên”,
“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, em ơi!
Đồng tiền đi lọt về xuôi,
Đồng tiền “vật đổi sao dời” mấy phen…
(T045 – Đồng tiền)
Mặc dù thực tế có thể như vậy và tác giả cũng nói rất thực, nhưng đọc lên nghe nó chua chát làm sao ấy. Theo thiển ý của tôi, chúng ta có nhiều cách để diễn đạt một sự việc, đặc biệt trong thơ thì nên sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng mà ý tứ sâu lắng thì hay hơn.
Ví dụ 2: sử dụng từ thô thiển, tự kiêu, hơi thiếu tôn trọng.
Đừng để cho Ta phải khổ tâm,
Khuyên răn dạy bảo chúng ân cần.
Lớn lên ăn trộm, rồi ăn cướp,
Ta xấu hổ, còn hắn cực thân.
(T082 – Ta nói mình nghe)
Có thể tác giả sử dụng cách xưng hô thân mật theo từ địa phương, nhưng thơ là viết cho mọi người cùng đọc và cảm nghiệm thì phải có văn phong của thơ chứ không nên sử dụng theo cách đối thoại : « Ta xấu hổ, còn hắn cực thân ». Đây là câu văn xuôi hơn là câu thơ.
Ví dụ 3: sử dụng từ láy cần hợp nghĩa
“Tình anh như sóng cồn cào
Dâng như biển lớn, chảy vào lòng em
Tình em như ánh sao đêm
Dịu dàng đằm thắm, thắp lên tình hồng”
(T072 – Tình yêu bền vững)
Đặt ý nghĩa trong cả khổ thơ thì tác giả sử dụng từ láy chưa hợp nghĩa “đói cồn cào” chứ không ai viết “sóng cồn cào”. Từ “cồn cào” mang nghĩa đói khát, thèm thuồng, nghe nó không dược thanh tao và không hợp nghĩa lắm khi “chảy vào lòng em”. Có thể thay từ láy “cồn cào” bằng từ “xôn xao” nghe câu thơ nhẹ nhàng và thi vị hơn và lúc đó “Tình anh như sóng xôn xao” sẽ đối ý rất hay với “Tình em như ánh sao đêm”.
Tình anh như sóng xôn xao
Dâng như biển lớn, chảy vào lòng em
Tình em như ánh sao đêm
Dịu dàng đằm thắm, thắp lên tình hồng.
4. Sử dụng điệp từ:
Sử dụng điệp từ để nhấn mạnh ý thơ cần diễn đạt nhưng phải sử dụng hợp lý thì mới đạt được mục đích này. Có nhiều tác giả sử dụng điệp từ rất điêu luyện, nhưng cũng có tác giả sử dụng kém hiệu quả khiến câu thơ trở nên nặng nề.
Ví dụ 1: sử dụng điệp từ khác nghĩa tạo sự quyến luyến thân thương
Bên Mình – mình thấy dịu êm
Xa Mình – mình thấy bóng đêm thêm dài
Nhớ mong hờn giận chia hai
Tuy hai mà một nối dài sợi thương.
(T064 – Mình ơi)
Rõ ràng cũng là một chữ “mình” nhưng nghĩa của từ trước mô tả một đối tượng khác và nghĩa “mình” của từ sau mô tả một đối tượng khác. Đồng thời tác giả còn sử dụng gạch nối tu từ “–” để làm nổi bật đối tượng “mình” trong nghĩa thứ hai.
Ví dụ 2: sử dụng điệp từ nhằm mục đích xác tín
“Em yêu hỡi! Hãy cùng anh tỏa rạng
Một niềm tin hào hùng giữa phong ba
Một khát khao theo Chúa không nề hà
Một đức ái quên mình làm lẽ sống.
(T079 – Tình trong Chúa)
Tác giả xác tín một Đức Tin, một Đức Cậy, một Đức Ái rất đạt khi sử dụng điệp từ “Một”.
Ví dụ 3: câu thơ trở nên nặng nề vì sử dụng các hư từ làm điệp từ
Vì yêu trần thế đê mê
Đắm theo tư dục vội quên lời thề
Để người ở lại tái tê đau đớn
Để trẻ thơ khốn khổ lầm than
Cảnh nhà cửa, cảnh nát tan
Trẻ thơ nhỏ dại lạc đàn từ đây
Vì cuộc sống ngày mai tươi sáng
Vì Thiên Đàng rực rỡ Chúa ban
(Bài T072 – Tình yêu bền vững)
Trong hai khổ thơ này nếu chúng ta bỏ bớt hư từ “để” xét ra không cần thiết vì dư một từ, thay từ “để” bằng từ “làm” nhằm nhấn mạnh hậu quả sự việc, thay từ “vì” bằng từ “bởi” và chọn thể thơ song thất lục bát làm chủ đạo thì có thể làm cho các câu thơ gọn ghẽ hơn, thanh thoát và nhẹ nhàng hơn.
Vì yêu trần thế đê mê
Đắm theo tư dục vội quên lời thề.
Người ở lại tái tê đau đớn
Làm trẻ thơ khốn khổ lầm than
Cảnh nhà cửa, cảnh nát tan
Trẻ thơ nhỏ dại lạc đàn từ đây.
Vì cuộc sống ngày mai tươi sáng
Bởi Thiên Đàng rực rỡ Chúa ban
5. Nghệ thuật đối trong thơ
Chỉ có thể thơ Đường luật là yêu cầu phải có các vế đối trong một bài thơ. Tuy nhiên, để làm phong phú thêm các thể thơ, nhất là thơ lục bát của người Việt Nam chúng ta cũng có thể tạo nên các tiểu đối ngay trong mỗi câu thơ.
Ví dụ 1: đối trong thơ Đường luật
Phấn trắng, tận tình trò kính mến
Tim hồng, nhân hậu vợ nương nhờ
Mẹ cha thảo hiếu, nên danh phận
Con cháu khuyên răn, tránh nhuốc nhơ
(T010 – Thắm duyên tơ)
Hai cặp đối này khá chuẩn và hay.
Ví dụ 2:
Bỗng dưng Chàng đến bất thình lình
Không bạc, không tiền, không đội binh
Thập tự trên vai gương khổ nhục
Vòng gai đỉnh đầu dấu hy sinh
Con tim hoà nhịp lời yêu mến
Thần trí ca vang tiếng ái tình
Trọn kiếp chọn Chàng em tiến bước
Theo Chàng em đến cõi thiên đình.
(T070 – Cầu hôn)
Hai câu thực trong bài thất ngôn bát cú thể Đường luật trên đây lại không đúng luật bằng trắc và đối không chuẩn. Theo tôi, hai câu này có thể thay đổi một chút để nhấn mạnh ý nghĩa và tạo hình ảnh khổ nạn một cách ấn tượng hơn
Thập tự hằn vai gương khổ nhục
Vòng gai nát đỉnh dấu hy sinh
Đồng thời thay bớt từ “em” ở câu kết để nhấn mạnh ý nghĩa quyết tâm theo đến cùng dù bất cứ nơi đâu ở trần gian chứ không chỉ theo lên Thiên Đàng và cũng để tránh sự nhàm chán khi lập lại từ “em” đã có ở câu thứ 7. Trường hợp này nên chọn điệp từ “theo” hay hơn chọn điệp từ “em”.
Trọn kiếp chọn Chàng em tiến bước
Theo Chàng theo đến cõi thiên đình.
Ví dụ 3: đối ý trong thơ 8 chữ
“Xé sợi mây gai kết vòng duyên nợ,
Vò dây nguyệt lão bày cớ tơ hồng,”
(T013 – Có một ngày)
Hai câu đối này rất gây ấn tượng nhờ sử dụng điển tích.
Ví dụ 4: đối ý trong thơ 8 chữ
Có tác giả khi viết lên hai câu thơ là đã thấy đối ý rồi, nhưng vì không chú trọng đến cái hay của câu đối, không nắn nót từ một chút, khiến cho câu thơ không tạo ấn tượng mạnh cho người đọc.
Có thể tạo những vế đối trong những câu ngắt nhịp 4/4
“Em nuôi con thơ, tình mẹ thiết tha
Anh dạy con ngoan, tình cha hiền hòa”
(T066 – Viết cho anh)
Để tạo thành vế đối và thay đổi sự đơn điệu trong hai câu thơ trên, vì có đến 13/16 từ là vần bằng, ta nên thay từ “tình” bằng từ “nghĩa”, từ “con” bằng từ “bé”.
“Em nuôi con thơ, nghĩa mẹ tha thiết
Anh dạy bé ngoan, tình cha hiền hòa”
Ví dụ 5: đối ý và đối từ trong thơ 8 chữ
“Khúc nhạc ngày vui: Dâng lời cảm tạ
Câu hát ngày buồn: Tri ân trên môi.”
(T066 – Viết cho anh)
Có thể viết lại như sau:
“Khúc nhạc khi vui: Cảm tạ chan chứa
Câu hát lúc buồn: Tri ân bồi hồi.”
Hoặc đảo từ để tạo vế đối
“Khúc nhạc khi vui: chứa chan cảm tạ
Câu hát lúc buồn: bồi hồi tri ân.”
Ví dụ 6: đối trong thơ lục bát
Chân trời rực rỡ bình minh
Khách buôn cùng với học sinh lên thuyền.
Lạy trời sông nước bình yên,
Bữa cơm, bữa cháo giữa miền bão giông.
(T058 – Tình nghèo)
Nếu thay từ “cùng với” bằng từ “xuống bến” ở câu tám thứ nhất sẽ tạo thành một tiểu đối giàu hình ảnh diễn tả sự tấp nập, sống động hơn. Có như thế, câu thơ mới phù hợp với sự “rực rỡ” của câu lục ở trên.
Chân trời rực rỡ bình minh
Khách buôn xuống bến / học sinh lên thuyền.
Lạy trời sông nước bình yên,
Bữa cơm, bữa cháo giữa miền bão giông.
Ví dụ 7: đối trong thơ lục bát
“Ngày chờ tháng đợi năm mong
Mặc cho lệ đắng buốt lòng người ơi!
Vẫn mong, vẫn nhớ trọn đời
Mặc cho ngày nhớ lệ rơi đêm tàn.”
(T084 – Gởi người tôi thương)
Thay vì sử dụng điệp từ “mặc cho” để nhấn mạnh ý nghĩa, ta có thể thay từ “mắt sâu” trong câu bát cũng để nhấn mạnh ý nghĩa “ngày nhớ” nhưng tạo thêm hình ảnh và nhịp thơ 4/4 như sau:
“Ngày chờ tháng đợi năm mong
Mặc cho lệ đắng buốt lòng người ơi!
Vẫn mong, vẫn nhớ trọn đời
Mắt sâu ngày nhớ / lệ rơi đêm tàn.
6. Thi trung hữu họa:
Thơ mà thiếu hình ảnh thì chỉ là nhưng câu văn mang tính diễn đạt một sự việc hay một nhận định nào đó. Muốn tạo cảm xúc cho người đọc, thơ phải có hình ảnh mới có thể tạo nên sự tưởng tượng phong phú nhằm mở rộng ý thơ. Có nhiều tác giả rất khéo sử dụng hình ảnh khiến cho bài thơ thêm thi vị. Xin đơn cử một số hình ảnh như sau:
Ví dụ 1: tạo hình ảnh với nhiều ẩn dụ để diễn đạt nỗi thương nhớ quay quắt
“Khi chiều màu tím bâng khuâng,
Anh thơ thẩn bên bờ con suối chảy
Nghe con chim gọi bạn trong gió ngàn chẳng thấy
Đêm xuống dần, chim kêu mãi không thôi
Nhìn dòng suối trong như lọc muốn về xuôi
Quằn quại bởi thác ghềnh nức nở…
Anh đã hiểu thế nào là thương nhớ…
(T040 – Anh đã hiểu thế nào là thương nhớ)
Ví dụ 2: tạo hình ảnh nghèo khổ, vất vả trong cuộc sống
Anh hiểu lắm nhà ta còn chật,
Cột tre, tường đất, mái tranh cùn
Quanh năm chân lấm, tay bùn,
Nỗi nhọc nhằn hằn trên trán cha, lặn vào đuôi mắt mẹ.
(T049 – Anh hiểu lắm)
Ví dụ 3: tạo hình ảnh tình yêu hợp nhất bằng sự so sánh rất sống động. Ta hãy thử so sánh hai khổ thơ sau đây sẽ thấy “sự nên một” khác hẳn với “sự ghép thành một”.
(T064 – Mình ơi)
|
(T065 – Tình yêu hôn nhân như con trai)
|
Trăm năm tóc bạc da mồi
Trong ân nghĩa thánh Mình-tôi hiệp hòa
Bởi Mình là nửa của ta
Còn ta hơn một phần ba nơi Mình.
|
Hai mảnh ghép của một loài nhuyễn thể
Gẩm giản đơn nhưng suy thật diệu kỳ
Từ tình yêu làm nên chiếc bản lề
Để gắn kết hai mảnh thành là một.
|
Ví dụ 4:
Sử dụng ẩn dụ để tạo hình ảnh không chấp nê, luôn tha thứ dù bị hiểu lầm, dù không còn thơ mộng, nồng cháy vì những lo toan của cuộc sống, vì sự quen thuộc đã nhạt nhòa hóa tình yêu thuở đầu đời. “Mưa phùn” mà “rơi hạt” thì quả là việc nhỏ đã hóa ra to mà không ngờ được. Bởi thế “Màu ráng chiều” không còn đẹp nữa, và dĩ nhiên cả “áng mây” và những “vần thơ” tình tự cũng chẳng còn “êm đềm”, “nhung nhớ”.
Anh không trách cơn mưa phùn rơi hạt
Màu ráng chiều thoảng mờ ánh mắt em
Những áng mây không còn dáng êm đềm
Những vần thơ lãng quên mùa nhung nhớ.
(T080 – Hãy hiểu anh)
7. Thi trung hữu nhạc:
Nhạc tính trong thơ đòi hỏi tác giả phải biết ngắt nhịp thơ một cách hài hài hòa và hợp lý. Đây là một nghệ thuật tạo tiết điệu cho câu thơ khỏi nhàm chán, đồng thời để nhấn mạnh sự việc bằng những ngôn từ rất thực tạo cảm xúc mạnh cho người đọc.
Trong cuộc thi thơ này có một số tác giả tạo được nhạc tính trong thơ rất hay. Xin đơn cử một số ví dụ.
Ví dụ 1: tạo nhịp trong thơ tự do
“ Em là em, là người yêu, là vợ
Rồi em là người mẹ lũ con anh,
Cho con, em cho máu, thịt, xuân xanh,
Để nhận lại tiếng thở dài những đêm trời trở gió.”
(T036 – Bu mình)
Ví dụ 2: tạo nhịp trong thơ 7 chữ
“Tình em là gió nổi hồn anh
Là trăng trong sáng, nắng tươi lành,
Là hoa, là trái, là hương nhụy
Nở giữa cây đời tươi, mát, xanh…
(T037 – Tình em)
Ví dụ 3: tạo nhịp trong thơ lục bát
Hai bên cha mẹ đều nghèo
Một con thuyền nhỏ, mái chèo, hồi môn!
Lều con, bến sóng dập dồn
Chồng chèo, vợ chống, dại khôn ở mình!
Chân trời rực rỡ bình minh
Khách buôn cùng với học sinh lên thuyền.
Lạy trời sông nước bình yên,
Bữa cơm, bữa cháo giữa miền bão giông.
(T058 – Tình nghèo)
Ví dụ 4: tạo nhịp tự do trong thơ tự do
Khổ thơ này có thể đọc một mạch dài hơi
Em và anh thôi bước trần đam mê vội vã
Ôm Tình Người hồn trong suốt đẹp lắng câu thơ
Mắt đong Tên Người đôi ta trọn ước mơ
Màu Sự Thiện huyền quang tim cung chứa
(T077 – Cung đời thanh khiết)
Nhưng cũng có thể ngắt nhịp tạo những khúc nhấn ý nghĩa
Em và anh thôi bước trần đam mê / vội vã
Ôm Tình Người / hồn trong suốt / đẹp lắng câu thơ
Mắt đong Tên Người / đôi ta trọn ước mơ
Màu Sự Thiện huyền quang / tim cung chứa
Ví dụ 5: sự đơn điệu trong thơ 7 chữ
Khăn vải thêu vật làm kỷ niệm
Một đơn sơ mang theo niềm tin
Như hơi thở quê nhà quấn quyên
Vượt hiểm nguy người lính băng lên!
(T051 – Chiếc khăn tay)
Hầu như câu thơ thứ 2 chỉ toàn là vần bằng (6/7) mà lại là vần bằng không dấu, đọc lên nghe nó nhạt và đơn điệu lắm. Nhất là ba câu cuối đã không hợp vần lại kết vần bằng, tạo thành một loạt âm trầm lắng, làm giảm khí phách của một người thanh niên đang hăng hái ra trận.
Nếu khéo một chút, chúng ta vẫn có thể sử dụng vần bằng nhưng phải sử dụng từ tạo âm để câu thơ giảm bớt sự đơn điệu.
Khăn vải thêu vật làm kỷ niệm
Một đơn sơ mang theo niềm tin
Như hơi thở quê nhà quấn quyện
Vượt hiểm nguy người lính xung phong!
Rõ ràng từ “xung phong” nó tạo âm và mạnh nghĩa hơn từ “băng lên”.
8. Ý tại ngôn ngoại:
Thơ hay chính ở chỗ dùng lời để diễn ý, ý càng rộng, càng sâu, càng cao thì càng hay. Đó chính là độ mở của thơ.
Ví dụ 1:
Lời Người ru nhẹ dìu đôi ta trên dấu đời vâng phục
Sống cho nhau mở trái tim dâng hiến trọn như Người
Nụ cười dịu dàng ngày qua vẫn xanh tươi
Hàng cây khép lá thiết tha ươm lấy mùa khiêm hạ
(T077 – Cung đời thanh khiết)
Chỉ trong một khổ thơ mà tác giả đã diễn đạt đời sống tình yêu đôi lứa phải dựa trên nền tảng Đức Tin phó thác
“Lời Người ru nhẹ dìu đôi ta trên dấu đời vâng phục”
Đức Cậy khiêm cung
“Hàng cây khép lá thiết tha ươm lấy mùa khiêm hạ”
và Lòng Mến trao ban
“Sống cho nhau mở trái tim dâng hiến trọn như Người”
Cả ba nhân đức đối thần này không thể nào tách rời ra được, mà tuyệt nhiên không thấy tác giả sử dụng một chữ yêu, chữ thương, chữ tin, chữ cậy, chữ mến nào cả. Ý thơ như thế quả là đạt đến độ vừa cao vừa sâu.
Ví dụ 2:
Những ngần ngại cuộc trần
Những màu sương rất xưa cũ
Tất cả đã mềm mại ngủ yên
Bình dị một Tình Yêu nghiêng mình
Cho em và cho anh
Long lanh miền thanh trong vĩnh cửu.
(T078 – Anh thấy)
Đâu cần phải nói những lo toan, khổ cực trong cuộc sống mà ta vẫn hiểu được “Những ngần ngại cuộc trần”. Đâu cần phải kể những bất hòa xảy ra ngày một mà ta nên bỏ qua “Những màu sương rất xưa cũ”. Đâu cần phải nói tha thứ mà ta vẫn hiểu “Tất cả đã mềm mại ngủ yên”. Bởi vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Tình Yêu và sự Bình An trong Ngài
“Bình dị một Tình Yêu nghiêng mình,
Cho em và cho anh,
Long lanh miền thanh trong vĩnh cửu.”
9. Phong cách sáng tạo:
Mỗi thi sĩ đều có những kỹ năng sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật để tạo thành một thi pháp riêng cho mình. Trong đợt thi này có tác giả sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật rất độc đáo với những hình ảnh thanh cao, ẩn dụ những trách móc nhẹ nhàng, lòng tha thứ bao dung và đặc biệt là luôn đặt bản thân mình và nhìn đối tượng mình yêu trong Tình Yêu của Thiên Chúa.
Ví dụ 1: tạo vần ôm trong thể thơ tự do và đảo từ một cách ngoạn mục
Những cơn mưa thôi sấm rền ồn ả
Cho đôi ta nghe âm hưởng Tiếng Người thân thương
Lời Người sâu thẳm ấm tơ vương
Nồng tim say mùa hoa kinh ân phúc.
(T077 – Cung đời thanh khiết)
Mỗi câu thơ có số từ tuy nhiều ít khác nhau, nhưng nhờ hợp vần ôm nên không tạo sự khổ đọc. Và với vần “ương” tác giả đã tạo âm hưởng quấn quít bằng cách sử dụng vần ôm “thân thương” , “tơ vương” như là cách làm hòa sau những xung đột, giận hờn, trách móc mà không hề có một từ nào nói đến giận hờn, không một từ nào nói đến hòa thuận mà chỉ cần viết “Những cơn mưa thôi sấm rền ồn ả” là ta đã cảm nhận được cả ý thơ tiếp theo rồi.
Và thay vì theo cú pháp bình thường “Tim say nồng”, tác giả lại đảo trợ từ “nồng” ra trước để trở thành “Nồng tim say” để nâng cái nồng lên nồng hơn, cái say lên say hơn.
Tuy nhiên, có thể tác giả muốn nâng sự cảm nghiệm của chúng ta lên một bậc cao hơn nếu chúng ta phân tích bằng cách tìm chủ từ cho mỗi ẩn từ.
NỒNG TIM SAY
(yêu) (yêu) (yêu)
Cả ba từ này đều hàm nghĩa “yêu”, vậy chủ từ của ba từ yêu này phải là ba đối tượng khác nhau theo nội hàm của khổ thơ.
Những cơn mưa thôi sấm rền ồn ả
Cho đôi ta nghe âm hưởng Tiếng Người thân thương
Lời Người sâu thẳm ấm tơ vương
Nồng tim say mùa hoa kinh ân phúc.
Trong hôn nhân Công giáo, chúng ta có thể tìm ra các ẩn từ đó không mấy khó khăn và sắp đặt lại như sau:
NỒNG TIM SAY
(yêu) (yêu) (yêu)
(Tiếng Người) (Ta) (đôi ta)
(THIÊN CHÚA) « (TÔI) « (BẠN ĐỜI)
Như thế, theo trình tự thì chính Thiên Chúa yêu tôi trước và Ngài ban cho tôi khả năng để có thể chấp nhận và yêu thương người bạn đời. Vậy muốn yêu người khác theo đúng tình yêu của Thiên Chúa thì trước hết chúng ta phải “nồng tình Chúa” trước đã, rồi sau đó mới có thể “say tình người”. Thật đúng với tín lý của Hội thánh Công giáo “trước kính mến một Đức Chúa Trời, sau lại yêu người như mình ta vậy”. Nhìn lại lịch sử Giáo hội, chúng ta thấy các vị thánh đều sống như thế.
Chỉ có như vậy, chúng ta mới hiểu được sự cần thiết của đời sống cầu nguyện, để có thể nghe và hiểu được Tiếng Chúa thầm thỉ trong mỗi người chúng ta để sống cho nhau và sống cho Ngài.
Ví dụ 2: sử dụng phương tiện tu từ ngữ nghĩa bằng ẩn dụ, giàu sức diễn dạt.
Anh sẽ chẳng bao giờ hiểu biết
Điều kỳ diệu từ nguồn sáng thiêng biến đổi
Bản tình ca dịu như làn gió thổi
Mãi trong xanh như thế giới vẫn ngời trong xanh.
(T088 – Ánh sáng tình yêu)
Chúng ta chẳng có thể nào hiểu được mầu nhiệm sáng tạo của Thiên Chúa. Ngài không chỉ sáng tạo một lần nhưng sáng tạo liên tục trong từng giây từng phút. Và mọi sự Thiên Chúa tạo dựng luôn là tốt đẹp.
Nếu viết hoa từ “Nguồn Sáng Thiêng” trong câu thơ thứ hai và câu thứ ba viết là “Bản tình ca dịu nhờ làn Gió thổi” thì ý thơ càng cao và sâu lắng hơn. Bởi vì “Gió” tượng trưng cho Thánh Thần Thiên Chúa, Ngài là Đấng Bảo Trợ sẽ giữ gìn mọi sự nguyên tuyền và thánh thiêng theo Thánh Ý của Chúa Cha “Mãi trong xanh như thế giới vẫn ngời trong xanh”.
Chúng ta cùng thử đọc lại đoạn thơ sâu lắng, cô đọng tràn đầy Đức Tin này:
Anh sẽ chẳng bao giờ hiểu biết
Điều kỳ diệu từ Nguồn Sáng Thiêng biến đổi
Bản tình ca dịu nhờ làn Gió thổi
Mãi trong xanh như thế giới vẫn ngời trong xanh.
Còn một ẩn ý độc đáo nữa mà tác giả muốn diễn đạt, đó là mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Đã có nhiều vị thánh chiêm nghiệm về mầu nhiệm này và cũng như tác giả, không một ai thấu biết mầu nhiệm cực linh đó.
“Anh sẽ chẳng bao giờ hiểu biết”
Mầu nhiệm của Ngôi Cha sinh thành nên Ngôi Con
“Điều kỳ diệu từ Nguồn Sáng Thiêng biến đổi
Trong tình yêu của Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa
“Bản Tình Ca dịu nhờ làn Gió thổi”
Và mãi là mầu nhiệm như nó là mầu nhiệm: “Ta là Ta”
“Mãi trong xanh như thế giới vẫn ngời trong xanh.”
Ví dụ 3: nâng cấp độ tình yêu bằng sự so sánh với hình ảnh gây ấn tượng mạnh
Đừng rời xa ánh mặt trời em nhé!
Dù chỉ là một nửa của ngày thôi
Vì nếu cơn gió đông biết được
Thổi se lạnh bước chân em biết là bao nhiêu!
Đừng lìa xa trái tim anh em nhé!
Dù chỉ là một nửa của giờ thôi
Vì cơn nắng hạ chói chang
Đem héo khô vườn lòng em màu tàn úa!
Em nhé! Đừng bao giờ lìa xa Thiên Chúa!
Dù chỉ là một nửa của giây thôi
Vì sự dữ với đam mê lỗi tội
Cuốn hồn xanh vào nơi vô định đêm tối!
(T089 – Đừng lìa xa)
Tác giả sử dụng thời gian thực tế “một nửa của ngày”, “một nửa của giờ”, “một nửa của giây” để diễn đạt không gian tình cảm. Thời gian đó không nhắm nói lên thời gian của sự nhớ nhung vì xa cách theo kiểu
“Nhất nhật bất kiến như tam thu hề”
(Một ngày không thấy mặt nhau thì lâu như ba mùa thu)
Hoặc như
“Thỉnh quân thí vấn đông lưu thủy
Biệt hận dữ chi thùy đoản trường”
(Lý Bạch – Kim Lăng tửu tứ lưu biệt)
(Xin anh thử hỏi dòng nước chảy về phương Đông
So với mối tình tiễn biệt, đằng nào dài ngắn?)
Nhưng nó nói lên cái rủi ro khi xa nhau.
Đừng lìa xa trái tim anh em nhé!
Dù chỉ là một nửa của giờ thôi
Vì cơn nắng hạ chói chang
Đem héo khô vườn lòng em màu tàn úa!
Và cái nguy hiểm khi xa Chúa
“Em nhé! Đừng bao giờ lìa xa Thiên Chúa!
Dù chỉ là một nửa của giây thôi
Vì sự dữ với đam mê lỗi tội
Cuốn hồn xanh vào nơi vô định đêm tối!”
Vì thế, tác giả không so sánh sự dài ngắn của thời gian mà muốn nói lên sự kết hợp mật thiết, sự nên một trong tình yêu, một không gian không có khoảng cách. Có thể ví như
“Hải nội tồn tri kỷ
Thiên nhai nhược tỉ lân”
(Vương Bột – Tống Đỗ Thiếu phủ chi nhậm Thục Xuyên)
(Trong bốn biển còn người tri kỷ
Thì dù ở tận chân trời vẫn như gần gũi bên nhau)
Chính sự nâng cấp độ từ tự nhiên đến siêu nhiên làm cho chúng ta thấy rõ hơn sự cần thiết phải kết hiệp với Thiên Chúa trong từng phút, từng giây của cuộc sống. Chúng ta có thể ví von một chút qua hai câu lục bát sau đây:
Một giây vắng Chúa, Chúa ơi!
Cả ngày vô nghĩa / cả đời hư không.
III. VỀ NỘI DUNG THƠ
1. Thiếu các nhân đức siêu nhiên:
Đây là một cuộc thi thơ “Viết về người bạn đời” trên quan điểm Công Giáo. Vì thế, nội dung thơ phải bao gồm cả các nhân đức tự nhiên và các nhân đức siêu nhiên. Tuy nhiên, có một số tác giả không nắm được nội dung này nên chỉ viết được phần các nhân đức tự nhiên mà thiếu hẳn hoặc không đầy đủ các nhân đức siêu nhiên hoặc ngược lại chỉ biết yêu Chúa mà chẳng thấy chút nào thương người.
2. Lạc đề, bố cục thiêu cấn đối:
Mặc dù đã có chủ đề, nhưng một số tác giả vẫn còn viết một cách phóng túng không đi vào nội dung chính hoặc viết hẳn về một đề tài khác. Một số khác diễn tả lan man nên bố cục thiếu cân đối, không rõ ràng.
3. Nội dung mang tính tiêu cực chỉ cho riêng mình:
Ví dụ 1:
Chàng Giêsu phu quân yêu quý hỡi
Dắt em vào sa mạc của tình yêu
Bên lòng Chàng em quẳng hết mọi điều
Đời em sống có Chàng là tất cả.
(T061 – Chàng là tất cả)
Càng yêu Chúa thì càng nghĩ đến tha nhân như Thánh nữ Têrêsa mặc dù ở trong đan viện nhưng vẫn một lòng mơ ước truyền giáo, chứ không thể
Bên lòng Chàng em quẳng hết mọi điều
Đời em sống có Chàng là tất cả
Mặc dù người Công giáo vẫn có thể hiểu được người tu sĩ này chỉ chọn Chúa chứ không chọn bất cứ điều gì khác, nhưng câu thơ sẽ khiến cho người ngoài Kitô giáo nghĩ rằng đi tu là trốn trách nhiệm, tiêu cực lánh đời. Và cả bài thơ cũng không toát lên được đời tận hiến là một cuộc sống hy sinh phục vụ.
Ví dụ 2:
Thiết tha năn nỉ hỡi mình ơi
Đừng để ta than vãn với trời.
Vừa bước vào nhà nghe chới với,
Vội đi ra quán nhậu tơi bời.
Khen ai đấy hạnh phúc êm ấm,
Trách phận nầy vô phước tả tơi.
Âu đó cơ duyên hay vận mỏng,
Đời ta sao cứ mãi lơi bơi?
(T090 – Tại mình hay tại ta)
Ngày nào có thánh giá của ngày ấy, tại sao lại cứ than thân trách phận. Thay vì vui nhận trong đức tin và lòng mến mà « vội đi ra quán nhậu tơi bời » thì giải quyết được gì? Chỉ làm cho sự việc nặng nề hơn, không có lối thoát.
Ví dụ 3:
Chán vợ, chán con, chán lắm rồi,
Mặc cho vợ góa, dẫu con côi,
Phen này nhất định Ta lên núi
Chồng bỏ đi rồi mới biết thôi.
(T091 – Lời trăn trối của chồng)
4. Không nên quá duy lý theo cảm nghĩ cá nhân:
Ví dụ 1: cần tôn trọng giá trị thực tế của sự vật
Một Chàng công tử rất giàu sang
Đem đến cho em lắm bạc vàng
Châu báu, lụa là chất lớp lớp
Ngọc ngà, trang sức xếp hàng hàng
Bạc tiền lôi kéo làm điều dữ
Của cải rủ rê gây sự gian
Yến tiệc, gấm nhung em chẳng ước
Hai bên trái ngược chẳng đồng bàn.
(T070 – Cầu hôn)
Tiền bạc, của cải không hề là điều xấu, chỉ tại chúng ta sử dụng nó không đúng mục đích mà thôi.
Ví dụ 2: không nên chê bai hay khinh thường đối tượng
Một Chàng quan lớn chốn đô thành
Đầy tớ đi theo mấy chục anh
Ngỏ ý cầu hôn cho địa vị
Ưng lòng lễ cưới được tài danh
Công danh trước mắt nhiều người muốn
Quyền lực trong tay lắm kẻ giành
Cuộc sống bình yên không sóng gió
Tỏ lòng xin lỗi tiễn đi nhanh.
(T070 – Cầu hôn)
Nếu bạn biết công danh và quyền lực nó mạnh thế nào thì bạn hãy khuyên người đó sử dụng nó một cách đúng đắn để đem lại lợi ích cho cộng đồng thì tốt biết mấy. Bởi vì, có không ít người vợ làm được điều này. Trong lịch sử Giáo hội Công Giáo có những người vợ là Nữ Thánh kia mà.
Cho nên cũng đừng vội vã ứng xử “Toû loøng xin loãi tieãn ñi nhanh” nghe nó thiếu tế nhị và nhạt tình người lắm. Vì họ chỉ mới cầu hôn thôi, có gì đâu mà phải xua đuổi.
5. Nội dung mang tính xây dựng tích cực:
Tuy nhiên, có tác giả lại triển khai nội dung thơ dựa trên sự suy niệm và sống Lời Chúa nên các bài thơ này có bố cục rõ ràng, nội dung phong phú và có tính xây dựng tích cực. Đặc điểm của các bài thơ này là tác giả luôn trích dẫn một câu Lời Chúa làm chủ đạo cho ý thơ của mình.
Ví dụ 1:
Em nhớ Chàng nhiều lắm
Cõi lòng riêng sâu thẳm
Dành trọn cả cho Chàng
Nhìn những kẻ lang thang
Người khổ đau bệnh tật
Hồn em rung tiếng nấc
Nhớ đến Chàng thật nhiều.
Bao nỗi nhớ trăm chiều
Đọng thành giọt bác ái
Gởi về Chàng nơi ấy
Giêsu Chàng nhận chưa?
(T060 - Thư gửi Chàng)
Không sống riêng cho mình như ở bài thơ “T061 – Chàng là tất cả”, tính tích cực của bài thơ này là người tu sĩ đã thấy được Chúa trong đồng loại của mình.
Tuy nhiên, cũng nên lưu ý về việc xác tín niềm tin cần phải dứt khoát rõ ràng dù là trong thơ, nhất lại là thơ đạo. Trong Đức Tin Công Giáo, Thiên Chúa thấu hiểu tất cả mọi điều chúng ta suy nghĩ. Vì thế, xét theo nghĩa Đức Tin thì câu kết của bài thơ này không đạt « Gieâsu Chaøng nhaän chöa? » vì chưa gửi thì Chúa đã biết cả rồi. Vả lại, Chúa ở trong bạn chứ ở đâu mà gửi. Cho nên, xét theo phong cách lãng mạn thì câu thơ trên « nũng nịu » với Chàng một chút thì hay.
Ví dụ 2:
Lời Chúa chủ đạo: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta” (1Ga 4, 12)
“Tình của anh là tình thiêng rất thực
Yêu mến Ngài anh sống trọn cho em
Đời đơn sơ không giả dối buông rèm
Câu sự thật nhiều khi em ái ngại.”
(T080 – Hãy hiểu anh)
Đoạn thơ này tác giả sử dụng ngôn ngữ rất thực, nói thẳng thắn, không mang nhiều ẩn dụ, nhưng xác tín muốn sống tình yêu là phải “Yêu mến Ngài” thì anh mới có thể “sống trọn cho em”.
Ví dụ 3:
Lời Chúa chủ đạo:“Bỏ Thầy con biết theo ai?”(Ga 6, 68)
Ơi! Những làn khói mong manh!
Hãy quyến vào nhau bằng lời kinh hương thánh
Cho khoảnh khắc nào tim cũng nhìn thấy nhau
Cho cung bậc nào nét thơ cũng tràn tình Chúa.
(T089 – Đừng lìa xa)
Cuộc đời mỗi người chúng ta thật ngắn ngủi và yếu ớt biết bao, chỉ cần một cơn gió thoảng… “Ơi! Những làn khói mong manh!”.
Chính vì thế, phải xác tín rằng chúng ta chỉ có thể tồn tại trong tình yêu Thiên Chúa mà thôi “Hãy quyến vào nhau bằng lời kinh hương thánh”.
Có như thế chúng ta mới cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa luôn hiện diện trong mọi biến cố của cuộc sống của chúng ta.
“Cho khoảnh khắc nào tim cũng nhìn thấy nhau
Cho cung bậc nào nét thơ cũng tràn tình Chúa.”
Vậy thì còn gì hạnh phúc hơn khi cùng sống một Đức Tin, một Đức Cậy trong một Lòng Mến.
IV. BÀI HỌC CÁ NHÂN
1. Qua cuộc chấm thơ lần này tôi thấy khả năng cảm nhận thơ của mình sâu sắc hơn, tinh tế hơn. Nhờ thế, khi đọc các thánh thi và thánh vịnh tôi thấm thía Lời Chúa ngày càng nhiều hơn.
2. Hiểu biết thêm phong cách sáng tạo trong ngôn ngữ thơ của các tác giả.
3. Học được cách sống và ứng xử trong đời sống hôn nhân theo Lời Chúa.
Mong sao tất cả việc làm của mỗi người chúng ta từ Ban Tổ chức, Ban Giám khảo đến các tác giả dự thi đều nhằm mục đích làm sáng Danh Chúa như Thánh vịnh 113B (115)
Xin đừng làm rạng rỡ chúng con
Vâng, Lạy Chúa xin đừng
Nhưng xin cho Danh Ngài rạng rỡ
Bởi vì Ngài thành tín yêu thương.
Viết xong lúc 6 giờ ngày 24/11/2011
Lễ các Thánh tử đạo Việt Nam
Chỉnh lý xong lúc 17 giờ ngày 28/11/2011
Thứ hai sau Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng
Đoàn Xuân Dũng