VỀ CHƯƠNG TRÌNH SƯU TẦM VÀ NGHIÊN CỨU THƠ CÔNG GIÁO VÀ TUYỂN TẬP THƠ KINH TRONG SƯƠNG (BTDL 4)
Cho đến những năm gần đây, nghĩ về văn học Công giáo Việt Nam, người ta bắt gặp hình ảnh một Hội Thánh hiếm muộn. Lớp người nghiên cứu cũng như dịch thuật có thực lực dường như đang tàn lụi; về thơ, tiếp nối Hàn Mặc Tử chỉ lác đác vài khuôn mặt; về truyện ngắn chỉ có được Nguyễn Tầm Thường và Hoàng Thị Đáo Tiệp. Những năm nội chiến, sinh hoạt văn học nghệ thuật Công giáo bị ngãng trở, rồi sau chiến tranh, tình trạng còn tệ hơn. Giáo Hội Công giáo Việt Nam bị cắt cụt, không còn nhà xuất bản, không còn nguyệt san, tuần báo hay nhật báo nào để làm đất dụng võ cho những người làm thơ viết văn.
Một vài anh em chúng con tìm hiểu thì thấy đó đây vẫn còn những người làm thơ viết văn ca tụng Chúa. Cần tạo một sân chơi, một mặt bằng cho họ xuất đầu lộ diện. Năm 1995, anh Lê Đình Bảng và con đã bắt tay thực hiện ý tưởng tạo cho anh chị em cầm bút Công giáo một không gian để xuất hiện, để giao lưu và nâng đỡ lẫn nhau, bằng cách tạo một địa chỉ cho họ gửi tác phẩm về và xin giấy phép xuất bản công khai. Chương trình sưu tầm và nghiên cứu thi ca Công giáo Việt Nam ra đời. Anh Lê Đình Bảng nhận phần nghiên cứu tìm tòi quá khứ, dựng lại những chứng tích ở thượng nguồn thơ ca Công giáo Việt Nam, và nay đã chuẩn bị được ba tập bản thảo sắp ra mắt trong bộ sưu tập thơ Công giáo.
Bản thân con lo phần phát hiện và giới thiệu những anh chị em thời hiện tại. Năm 1999, sưu tập đầu tiên mang tên “Góp Nhặt Thơ Công Giáo Việt Nam” hình thành với 41 tác giả, 231 bài thơ. Chúng con có được giấy phép xuất bản qua NXB Thuận Hóa, với những giới hạn hết sức vô lý là không được in lý lịch và chân dung các tác giả. Điều ấy khiến tác phẩm giảm hẳn giá trị, kém phần thu hút. Dù vậy chúng con vẫn quyết định bỏ tiền ra in để có một khởi đầu. Sau đó, do theo đuổi ơn gọi Cát Minh, con phải bỏ dở công việc. Năm 2006, có thêm hai anh Nguyễn Đình Diễn và Cao Huy Hoàng nhập cuộc, công việc được tái tục. Chúng con gởi đi một lời kêu gọi qua mạng lưới điện toán và hơn 30 tác giả đã gởi bài về. Chúng con làm việc đợt đầu với bản thảo của 22 vị, bình chọn được 12, cộng thêm 3 vị của tuyển tập 1999 để xây dựng bản thảo cho quyển sách phát hành hôm nay là Kinh Trong Sương. Đây là tập 4. Những tác giả thời đầu, từ thánh Phan Văn Minh, qua Hàn Mạc Tử cho đến cha Nguyễn Xuân Văn được giới thiệu ở ba tập đầu, tức là các quyển “Ở thượng nguồn thơ ca Công giáo Việt Nam” của anh Lê Đình Bảng.
Khởi đầu tập 4, tức tập Kinh Trong Sương này, chúng con trân trọng dành chỗ danh dự cho cây bút thuộc hàng tổ phụ là Đức Ông nhà thơ Xuân Ly Băng. Tiếp đó, hai cây bút khác đã có trong tuyển tập “Góp Nhặt Thơ Công Giáo Việt Nam” là Trầm Tĩnh Nguyện và Hàn Lệ Thu. Chị Hàn Lệ Thu đã qua đời đang khi chúng con xây dựng bản thảo. Mười hai vị mới là:
Năm cây bút ở nước ngoài: Bà Đông Khê, Cha Hương Kinh, Anh Hương Vĩnh, Chị Trầnguyễn Trangđài và chị Trần Mộng Tú.
Bảy vị trong nước: Chị Đỗ Thảo Anh, chị Hạt Bụi, cụ Minh Tâm, cha Nguyên Mai, anh Phanxicô, rồi HCN và HTS, hai nữ đan sĩ sẵn lòng góp bài nhưng xin được giấu tên và giấu mặt.
Ngoài hai nữ đan sĩ, các tác giả khác xuất hiện với đầy đủ tên tuổi, hình ảnh, đôi nét tiểu sử, điện chỉ email và bài chia sẻ cảm nghiệm đức tin rồi đến phần tuyển thơ. Tất cả kết thành một chuỗi chứng từ khá phong phú.
Chúng con in 5.500 bản, ngoài 500 bản dành cho các tác giả và ban biên tập, số sách còn lại được gởi tặng đến các Đức Giám Mục và các văn phòng TGM, đến các ban văn hóa của 2430 giáo xứ và giáo họ biệt lập khắp 26 giáo phận Việt Nam, những nơi trên 1000 giáo dân mỗi nơi hai bản, còn dưới 1000 giáo dân mỗi nơi một bản, gởi tặng đến 7 chủng viện, tất cả các dòng nam và dòng nữ, mỗi nơi hai bản; đồng thời gởi tặng các văn hữu quen biết trong và ngoài Công Giáo.
Chúng con gởi tặng rộng rãi quyển Kinh Trong Sương nhằm giới thiệu cho anh chị em khắp nơi biết chương trình sưu tầm và nghiên cứu thi ca Công giáo Việt Nam cũng như điện chỉ email và địa chỉ nhận bài, như có ghi ở trang 10:
- Đức Cha Nguyễn Chí Linh, Giám Mục Thanh Hóa - Cha Lê Văn Ninh, Nha Trang - Cha Lê Quang Hiền, Mỹ - Cha Hoàng Xuân Nghiêm, Mỹ - Cha Trần Cao Tường, Mỹ - Cha Nguyễn Thiên Cung, Phan Thiết - Anh Chị Phạm Thành Hưng, quận 7 - Anh Chị Đoàn Văn Tùng, Phan Rang - Anh Chị Võ Tá Vinh, Hà Tĩnh - Anh Chị Đậu Trung Sự, Khánh Hòa - Anh Chị Nguyễn Phan Nhật Nam, Mỹ - Anh Olivier Glassey, Mỹ - Anh Chị Ngô Viết Khiêm, Mỹ - và bác Nguyễn Văn Yên, Mỹ
Chúng con chỉ xin vừa đủ phần chúng con còn thiếu. Sự quảng đại của các ân nhân khiến chúng con lạc quan, có thể nghĩ đến việc xuất bản và tặng rộng rãi tác phẩm tiếp theo là tuyển tập “Đồng Xanh Thơ 2007”, của hơn 30 cây bút trẻ; và liền sau đó là “Kinh Mai” tập 5 của bộ sưu tập thơ Công Giáo, gồm 15 tác giả thơ trữ tình, cũng có dự tính gửi tặng rộng rãi.
Chúng con đặc biệt ghi ơn Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám Mục Quy Nhơn, đã ban lời giới thiệu cho Kinh Trong Sương và hơn nữa, đã nhận đỡ đầu cho Tủ Sách Văn Học Công Giáo.
Xin cám ơn ông Quang Thắng, giám đốc NXB Phương Đông đã nhiệt tình giúp đỡ. Xin cám ơn anh Bùi Liêm đã vẽ bìa, cám ơn anh chị Phạm Lê Anh Tuấn đã vất vả lo in ấn. Cám ơn tất cả các anh chị em đã góp phần đánh máy, dàn trang và phân phối sách. Cám ơn các bạn chủng sinh và tất cả các anh chị em đã vất vả lo cho đêm thơ này.
Cách riêng, xin cám ơn Cha Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ này, cha Tổng Thư Ký Ủy Ban Thánh Nhạc Toàn Quốc đã nhiệt tình giúp đỡ chúng con tổ chức buổi sinh hoạt tối nay.
Sau hết và rất quan trọng, chúng con chân thành cám ơn Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, Đức Cha Kontum và Đức Cha Hưng Hóa đã tỏ lòng ưu ái với anh chị em cầm bút nói riêng và với sự nghiệp văn học nghệ thuật Công Giáo nói chung.
Sau Kinh Trong Sương sẽ là Kinh Mai, Kinh Dặm Xa, Kinh Ngọ, Kinh Trầm Thiêng, Kinh Chiều, Kinh Đêm, Kinh Khuya, Kinh Lệ, Kinh Phục Hưng, Kinh Mới vv… mỗi tập 15 tác giả. Theo thứ tự ấy, Kinh Trong Sương có nghĩa là lời nguyện hướng tới rạng đông. Thế nhưng đang khi xúc tiến việc phát hành tập này, chúng con chợt khám phá thêm một sứ điệp quan trọng nơi tựa sách.
Kinh là sách đạo. Kinh Trong Sương là sách đạo đang chìm trong sương mù. Khắp những giáo xứ ven Quốc Lộ số 1, từ Đồng Đăng, qua Thủ đô Hà Nội đến ngã ba Trạm Hai ở Thủ Đức xuống tới tận Cà Mau, dài 2200km, chỉ đếm được ngót mười chỗ có bày bán sách đạo, nhưng ấy là nói trước kia, còn nay mỗi nơi chỉ còn lơ thơ vài quyển. Hỏi ra mới biết câu chuyện thật buồn. Cô hàng bán sách lim dim ngủ ngày nào đã thức dậy. Cô thức dậy và dẹp bỏ hết sách đạo để lấy chỗ bày bán thứ khác có lời hơn, chỉ vì một lẽ đơn giản: Chẳng có ai mua sách!
Chao ôi! Kinh Trong Sương, sách đạo chết đắm trong sương mù! Chao ôi! Hội Thánh Việt Nam này sẽ đi về đâu khi các tầng lớp Dân Chúa không còn đọc sách?
Con tha thiết kính xin tất cả quý vị có mặt ở đây, từ Đức Tổng, quý Đức Cha, quý Cha, quý Khách cho đến những anh chị em nhỏ nhất, hãy gào thét lên cho mọi người đọc sách, cho mọi giáo xứ đều tổ chức hội thi đọc sách, cho mọi bậc cha mẹ đều sắm tủ sách gia đình…
Với lời kêu cứu khẩn cấp ấy, con xin trân trọng giới thiệu tuyển tập Kinh Trong Sương. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành, tuôn đổ ơn đọc sách trên Dân Chúa tại Việt Nam để Kinh Trong Sương sẽ không còn là sách đạo dưới sương mù dày đặc nhưng sẽ là tập thơ cầu nguyện báo hiệu Rạng Đông.
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh gopnhattho@yahoo.com. Chúng con đã gửi thư đến một cơ quan Giáo Hội ở nước ngoài xin tài trợ nhưng bị từ chối. Dù vậy, chúng con nhất quyết tiến hành việc xuất bản và tặng sách. Chính các tác giả của tuyển tập, cả trong và ngoài nước đã quảng đại góp phần. Đức Ông Xuân Ly Băng đã xin một số học trò cũ giúp đỡ. Trong thời gian con bị bệnh, các em họ của con ở nước ngoài đã có sáng kiến phát hành 1000 bản tập thơ Có Ai Về Cát Minh lấy tiền giúp con chữa bệnh, nhưng rồi không cần dùng đến, con đã góp chung vào dự án. Phần còn thiếu, chúng con đã ngỏ lời và đã được sự giúp đỡ của các vị sau đây mà hôm nay chúng con xin được nhắc đến để tỏ lòng biết ơn:
Tác giả
Trăng Thập Tự, Lm.
|