Tạ ơn Thiên Chúa và cảm ơn mọi tấm lòng đêm nay đã cho tôi được đến đây nói về thơ. Lúc này là đêm nhưng nắng vẫn xanh ở cuối trời kia, và những giọt sương vẫn long lanh trên cỏ mềm ở nơi nào đó trong cõi nhân gian. Lời đầu tiên như thế, xin được noi theo các tác giả Thánh Vịnh để ngợi khen Thiên Chúa, Đấng sáng tạo nên muôn muôn vẻ đẹp cho cuộc đời, trong đó thi ca là một vẻ đẹp vừa hữu hình vừa vô hình, toàn vẹn nhưng tiến hoá, tưởng rất gần mà không ôm trọn được, ở rất xa nhưng có mặt ngay trong hơi thở từng phút giây này.
Ông Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc gọi Thiên Chúa là “Trẻ Tạo Hoá”. Tôi rất thích cách gọi ấy và hiểu theo nghĩa của riêng mình. Vâng, Đấng Tạo Hoá là một em bé sáng dạ, vui tươi và tinh nghịch, một khi đã bày trò thì không muốn thiếu sót một thứ gì. Khi tạo dựng con người, Ngài đã đặt thi ca vào trong mỗi chúng ta bên cạnh bao khuynh hướng, nhu cầu và bản năng khác. Và rồi suốt chiều dài lịch sử, thơ đã bập bùng trong tiếng trống của người nguyên thủy, thơ đã miên man theo dòng thác đổ sau nhà, thơ đã nâng niu trong nhịp võng đong đưa của mẹ hiền, và thơ đã đồng vọng nơi mỗi bài ca ta nhớ, ở mỗi lời hát ta chợt buông trên môi. Ta hít thở không khí và hít thở thơ dẫu rằng ta không ý thức sự hiện diện của thơ. Ta lặng lẽ mang ơn thơ dẫu rằng nghìn lần ta phi bác thơ là phù phiếm.
Ta vẫn hiểu mạc khải là việc Thiên Chúa tự tỏ lộ chính mình Ngài, thì thi ca chính là một phần của mạc khải. Thiên Chúa cho mỗi người cảm được ánh sáng cùng sức nóng của mặt trời và cũng cho mỗi người có cảm xúc thi ca. Thi ca không phải chỉ là những dòng chữ xuống hàng ở mỗi câu và viết hoa ở đầu câu. Thi ca theo nghĩa rộng là ngôn từ đẹp có nhịp điệu, vang lên cho ta nghe thấy hoặc thì thầm lặng lẽ với ta thông qua những điều chân thiện mỹ mà ta đón nhận muôn vàn trong cuộc sống. Lắm khi nhịp đời vội vã và gánh nặng áo cơm khiến ta chỉ quan tâm đến những điều cụ thể, nhưng cảm xúc thơ vẫn ngầm tuôn chảy từng giây phút, nghĩa là tiếng nói mạc khải của Thiên Chúa vẫn không ngừng ngỏ với lòng người bằng vần điệu bàng bạc trong vũ trụ. Thi hào Goethe đã bày tỏ niềm tin vào tiếng-thơ-mạc-khải ấy khi ông gọi mời: “Hàng ngày trong cuộc đời mình, ta hãy nghe một ít nhạc, đọc một chút thơ và ngắm một hình ảnh diễm lệ, ngõ hầu những lo toan trần thế không làm mờ phai đi cảm xúc về cái đẹp mà Thiên Chúa đã gieo vào hồn người”.
Nhà thơ Chế Lan Viên viết đoạn thơ sau đây tuy từ một nhãn quan của riêng mình, nhưng người Công giáo chúng ta đọc ông không khỏi nghĩ đến bài thơ êm đềm mà Thiên Chúa viết mãi cho cuộc đời tuy lòng người xem ra hờ hững:
Cẩn thận nhé! Cẩn thận nhé!
Kẻo rồi có lúc mùa vải đỏ và chim tu hú
Đến lúc nào, đi lúc nào, ta không biết.
Trời xanh, hoa mai, chim nhạn...
Về lúc nào, đi lúc nào
Ta chẳng hay cho!
Ta cúi xuống đất
Hí hửng nhặt tìm từng cái kim rơi vụn vặt
Mà để lồng lộng trên cao
Những mùa trái, mùa chim bay mất
Những mùa yêu, mùa hạnh phúc bay vèo!
Chim tu hú có cần đâu
Ta nghe nó hay không nghe nó.
Nghe nó, ta thành tình nhân, thi nhân, triết học...
Còn nếu như không nghe
Mà ù ù cạc cạc
Thì hết mùa vải này vẫn còn vải khác
Bên sông đỏ rực
Bất cần ta, phải chín đón chim về.
(Di Cảo)
Tôi suy niệm rằng trên con đường mạc khải bằng thi ca, Thượng Đế chiếu dọi ánh sáng nồng ấm nhất cho những người tin vào Ngài. Kinh Thánh tràn ngập hương sắc của thơ vì con người của Kinh Thánh yêu mến Thiên Chúa đến nỗi lời yêu tràn ra như mật ong trên môi miệng. “Hát ca là công việc của người đang yêu”, câu danh ngôn này cùa thánh Augustine cũng áp dụng cho thơ. Các tiên tri của Cựu Ước đã hát lên những lời thơ vang vọng suốt bao nghìn năm lịch sử, làm cho đời sống nhân loại phong phú hơn và nhất là đưa con người đến gần với linh thiêng hơn. Ngày nay, trong phụng vụ và việc đạo đức dân gian, Kitô hữu chúng ta vẫn ngất ngây với những lời thơ trìu mến của Kinh Thánh:
Chúa là Đấng chăn nuôi tôi đó
Còn thiếu chi đồng cỏ xanh tươi
Và dòng suối mát thảnh thơi
Chúa cho tôi đến để tôi thỏa hồn…
(Bản dịch của Mai Lâm)
Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa
Thần trí tôi hớn hở mừng vui
Trong Đấng cứu chuộc. Vì Ngài
Đã thương nhìn đến phận tôi tá hèn…
(Bản dịch của Mai Lâm)
Tôi lại tự hỏi đâu là Thánh Ý Chúa khi Ngài tác động và đặt cơ duyên cho nhiều người yêu mến thi ca nhà Đạo, có người say sưa tìm thơ, đọc thơ và sống với thơ, có người suốt đời không ngừng tìm ý đặt vần làm thơ như kiếp tằm vấn vít dây tơ dưới chân thánh giá. Có mặt nơi đây là các tác giả của tuyển tập Kinh Trong Sương và nhiều bậc thi sĩ lão thành mà tác phẩm của họ thấp thoáng có những lời giải thích về cuộc đời thơ của mình trong đức chiếu của Thiên Chúa.
Với Đức ông Xuân Ly Băng, con đường thi ca là một linh đạo:
Chúa cho hái cả trời mơ
Quì bên nhan Chúa là thơ tuôn trào.
Với linh mục Trăng Thập Tự, thơ như một lời cảm tạ không ngừng, vì:
Em đang mót lúa dưới đồng
Không dưng ông chủ đem lòng xót thương.
Với thi sĩ giáo dân Lê Đình Bảng:
Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nguyện
Hồn reo vui trong từng chữ, từng lời.
Trong nỗ lực nhận diện thi ca, một cây bút “thế gian” đã định nghĩa: “Thi ca không phải là một nghề nghiệp, mà là một định mệnh” (Mikhail Dudan), chẳng khác nào kết luận của cụ Nguyễn Du là trời đã bắt như thế, “bắt phong trần phải phong trần” - người thơ là người mà số phận đặt vào con đường của vần điệu và khổ sai. Còn chúng ta, bằng qui chiếu với đức tin và giáo huấn của Hội Thánh, có thể hát lời alleluia và dám hân hoan tuyên xưng rằng sở dĩ con người yêu mến thi ca và viết nên được những bài thơ thắm đẫm Tin Mừng trước hết là vì người thơ được hưởng nhờ sự thông ban thiên tính sáng tạo của Đấng Sáng Tạo. Yêu thơ và làm thơ là một ơn gọi, nghĩa là người thơ được Thiên Chúa triệu vời và thánh hiến để phụng sự Ngài. Yêu thơ và làm thơ còn là một đặc sủng, nghĩa là người thơ được Thiên Chúa dẫn đưa, nâng đỡ và soi sáng để mưu ích cho cộng đoàn. Đó là hồng ân và sứ mệnh cao quí của thi ca nhà Đạo. Trong thư gửi các nghệ sĩ Kitô giáo, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Càng ý thức món quà Chúa tặng cho mình, các nghệ sĩ càng có cơ hội nhìn mình và toàn thể thụ tạo với cặp mắt chiêm ngưỡng và biết ơn, đồng thời dâng lên Chúa lời ngợi khen. Đây là con đường duy nhất đưa họ tới chỗ hiểu bản thân mình, ơn gọi và sứ mạng của mình cách đầy đủ”.
Vâng, người thơ của nguồn Đạo trong Hội Thánh Việt Nam vẫn không ngừng suy tư về ơn phúc và trách nhiệm của mình. Ngắm nhìn sự diễn tả thiên hình vạn trạng không ngừng của Thiên Chúa Sáng Tạo, ta thấy trái tim cùng ngòi bút của mình nhỏ nhoi và thô kệch biết bao! Những nỗ lực dành cho văn hoá-nghệ thuật nhà đạo còn nhiều giới hạn. Trong công cuộc xây dựng Hội Thánh Việt Nam, chúng ta đã lưu tâm đến nhiều điều tốt đẹp, nhưng chuyện ngôn ngữ-văn chương dường như vẫn được kể là phụ thuộc. Một ngôi sao Hàn Mặc Tử lẻ loi giữa thế gian chưa đủ để góp vào ánh sáng muôn dân trong khi nhiều kho tàng của cha ông đang mai một dần. Chúng ta buồn vì chỉ có những diễn đàn hiếm hoi cho thi ca Công giáo và chúng ta tủi thân khi những tập thơ ra đời không được đón nhận nồng hậu như các tác phẩm của các bộ môn nghệ thuật khác. Dẫu sao, “phút thiêng liêng đã khởi đầu”, và cái đẹp mà Thiên Chúa đã gieo trồng vẫn đang mời gọi ta vươn lên cao. Nguyện xin Thiên Chúa cho hạt giống âm thầm mọc lên giữa những con người bất toàn chúng con. Xin Thánh Thần Sáng Tạo soi sáng chúng con từ nội tâm để trên hành trình đi tìm cái đẹp chúng con luôn gặp được mầu nhiệm tuyệt vời của Đấng Phục Sinh mà những ngày này Giáo Hội đang hân hoan và say sưa chiêm ngưỡng. Amen.