Tôi rất vui, sau việc họp HĐGMVN lại được dừng chân ở đây để tham dự đêm thơ, để gặp gỡ và lắng nghe tâm tình anh chị em văn nhân nghệ sĩ qua thơ và nhạc, được giao duyên khi nghe những bài thơ, bài nhạc thật hay. Như một anh em đã phát biểu lúc nãy, chợ sách, chợ văn, chợ thơ bây giờ thật ế ẩm. Thế mà vẫn có những người dấn thân, hy sinh, lao động vất vả trên cánh đồng thơ, thật đáng quý.
Riêng tôi, tham dự đêm thơ này, tôi có vài cảm nhận.
Thơ là một cái gì rất đặc biệt. Như anh Lê Đình Bảng vừa nói, tại sao có người làm thơ, có người không? Không phải ai cũng có thể làm thơ. Những người làm thơ là những người có được những cảm nghiệm đặc biệt mà kẻ phàm phu tục tử không nhận ra. Chẳng hạn, cha Xuân Ly Băng nghe tiếng chuông mà nghiệm ra lời Đức Mẹ nhắn nhủ, còn thiên hạ chỉ nghe được như một tiếng động vật lý, như đàn gảy tai trâu. Rồi chẳng hạn, chúng ta, người thường, nhìn chiếc khăn tím thì chỉ thấy chiếc khăn tím, còn nhà thơ Trần Mộng Tú nhìn vuông vải tím lại cảm nghiệm ra tình yêu của Chúa chịu đóng đinh và lời mời gọi hoán cải. Như thế, nhà thơ có cái nhạy cảm đặc biệt, nằm ngoài năm giác quan của người thường. Nói được, các nhà thơ thuộc một nòi đặc biệt, nhận được một ơn đặc biệt Chúa ban cho.
Riêng đối với những người làm thơ đạo, cái nhạy cảm ấy lại còn ở một mức cao vượt hơn. Những dấu hiệu bên ngoài như tiếng chuông, ngôi thánh đường, vuông vải tím trở thành những tín hiệu của những thực tại vô hình. Nhạy cảm ấy không phải tự nhiên mà có được nhưng phải do cầu nguyện. Chẳng ai làm thơ mà không có xúc động trong tâm hồn; mà những xúc động đạo đức thì chỉ qua cầu nguyện mới có được.
Chính nhờ cảm nghiệm bén nhạy ấy câu thơ mới truyền được xúc động sang người khác. Như ban nãy anh Cao Huy Hoàng cho biết, chỉ hai câu thơ của Đông Khê: “Không phải con lên cao, nhưng vì Ngài cúi thấp” đủ khiến nhạc sĩ Lưu Văn Trung khóc mấy đêm liền.
Với người làm thơ đạo, cảm nghiệm thiêng liêng, cảm hứng thiêng liêng thật quan trọng. Cảm nghiệm ấy trước hết là do Thiên Chúa ban nhưng đồng thời cũng còn do cầu nguyện.
Cảm nhận thứ hai tôi muốn chia sẻ là về sách. Lời nói bay đi, chữ viết còn mãi. Những gì đã được viết ra, nhất là đã được in thành sách, thì không ai biết trước được con đường của nó. Ta không biết nó sẽ đi đến đâu. Nó có thể vượt đại dương, đến tận những xóm thôn hẻo lánh, chạm đến những tấm lòng nào đó, những nơi rất xa xôi. Thế nên, sách vở và các phương tiện truyền thông thật quan trọng. Đó là con đường chuyển tải tư tưởng cũng như tiếng gọi đạo đức xuyên qua các thời đại, đến với những tấm lòng mà chỉ Thiên Chúa mới biết được, còn chính các tác giả không ngờ tới.
Sách vở thật quan trọng, cách riêng là thơ. Ngày nay, lý luận nhiều khi chẳng có sức thuyết phục mấy, nhưng những tiếng nói từ trái tim lại dễ đến với những trái tim; những tiếng nói từ tấm lòng lại dễ đến với những tấm lòng. Có lẽ cũng chính nhờ con đường của tấm lòng mà Phạm Xuân Tuyển đã gặp Hàn Mạc Tử và đức tin của Hàn Mạc Tử. Như thế ta thấy thơ thật cần thiết trong cuộc sống, để chia sẻ tâm tình và chia sẻ đức tin.
Với những cảm nhận ấy, tôi không mong ước gì hơn là mong ước có thêm nhiều nhà thơ và có thêm nhiều nhà thơ đạo nữa, để giúp chúng ta cảm nhận được tất cả những vẻ đẹp trong trời đất, nhất là cảm nhận được những vẻ đẹp của Nguồn mọi vẻ đẹp là chính Thiên Chúa, để gởi những tiếng nói từ tấm lòng đến với những tấm lòng, để giúp những tấm lòng ấy rung động trước sự thiện, trước vẻ đẹp và biết đón nhận Đấng Đẹp Tuyệt Đối.
Tôi cầu mong có thêm nhiều tuyển tập thơ và nhiều đêm thơ nữa để những vẻ đẹp ấy được chuyển đi khắp nơi và nhờ đó thế giới này sẽ đầy vẻ đẹp.
Tôi cầu chúc cho có thêm nhiều sách, nhiều người làm thơ và nhất là thơ đạo.
(TTT ghi lại từ băng nhựa)