Bản Tin Dũng Lạc số 6 - chủ đề: Kiến trúc Công giáo LỜI NGỎ
Lm. Trần Cao Tường
Sau Buổi Hội Thảo về “Chuyển Đạt Tin Mừng Qua Văn Hóa và Văn Học Nghệ Thuật” tại Boston College vào tháng 10 năm 2008, đã có nhiều bài viết trình bày và góp ý khá dồi dào, trong đó cũng có một số linh mục Dòng Tên người Việt và một linh mục Dòng Tên người Đại Hàn tham dự.
Trong bài viết “Nghĩ tiếp về Chuyển Đạt Tin Mừng Qua Văn Học Nghệ Thuật,” chị Nguyễn Thị Kim Loan đã đi thẳng vào vấn đề: Ai chuyển đạt, chuyển đạt cho ai, và chuyển đạt Tin Mừng gì: “Một cách thực tế hơn, tôi viết để chia sẻ với mọi người những chứng nghiệm trong đời sống của mình về những gì mà Chúa Giêsu giảng dạy là đúng và có thật, và điều đó đã đem lại sự thay đổi tốt đẹp trong cuộc sống của tôi hay người khác ra sao.”
Còn chuyện chuyển đạt cho ai, thì phần lớn các Trang Mạng thiên về tôn giáo như của Công giáo chẳng hạn, thường chỉ nhằm vào nội bộ, tức nhằm chuyển đạt cho những “con chiên bổn đạo” mà rất ít Trang Mạng mở rộng ra hơn để chia sẻ Tin Mừng cho mọi người vượt ra khỏi làn ranh tôn giáo. Lần đầu tiên tôi được nghe về từ “micro thánh” do một người quen ở Sài gòn. Anh ta nói là mình đã có bàn thánh, khăn thánh, chén thánh... thì cũng cần có micro thánh, nghĩa là lời “rao giảng” của mình không chỉ bị giới hạn ở cửa nhà thờ hay chỉ cho mấy trăm người nghe, mà cần phải được sức đẩy của Thần Khí Chúa đi được “khắp tứ phương thiên hạ” như lời Chúa bảo.
Đúng vậy, chuyển đạt Tin Mừng chính là có thể đáp ứng được những khắc khoải đau buồn, chia sẻ được những vui mừng và hy vọng của đồng bào mình, đi được vào mạch sống văn hóa đang sống. Một hiện tượng rất lạ là theo những nghiên cứu mới nhất, như của Hiệp hội Viện trợ Trung quốc (China Aid Association—CAA), một nhóm vận động hành lang đặt căn cứ tại Texas, con số người theo Ki-tô giáo quả thực đã lên đến 130 triệu vào đầu năm 2008. Nếu thế, điều này có nghĩa Trung quốc gồm nhiều Kitô hữu hơn người Cộng sản (thành viên đảng là 74 triệu) và có thể có nhiều Kitô hữu giữ đạo tại Trung quốc hơn bất cứ quốc gia nào khác.
Cứ tưởng ở một nơi mà đảng cầm quyền chủ trương duy vật và đã dùng biết bao biện pháp ác độc để triệt hạ tôn giáo, vậy mà tôn giáo chẳng những không chết mà còn lớn mạnh hơn bao giờ hết, Kitô giáo trở thành hứng khởi cho kinh tế thị truờng của đà tiến mới. Và trong bài viết “Trung Quốc Thế Kỷ 21” trên Mạng Lưới Dũng Lạc, Nguyễn Vy Khanh đã nhắc lại phản ứng của dân Trung Hoa ngày nay: “Trở lại với nghệ thuật, họ cho rằng nghệ thuật ảnh hưởng đạo Thiên-Chúa "thể nghiệm vĩnh hằng sâu sắc nhất". Âm nhạc thì thiêng liêng, khát vọng siêu việt, thoát tục, hướng lên, trong khi những âm nhạc khác dừng lại ở tình cảm thế tục bề mặt hai chiều. Một nghệ sĩ Trung-quốc đã phát biểu :"Tôi gọi âm nhạc Cơ đốc giáo là loại nhạc hoài cảm tôn giáo cao cấp, nó chỉ rõ sự ngắn ngủi của cuộc đời và sự tồn tại của vĩnh hằng, nó chỉ rõ mối quan hệ giữa người và thần, giữa tự nhiên và thần. Nghệ thuật mang tính Cơ đốc giáo thông qua có thể nhìn, có thể nghe, có thể quan sát được tất cả mọi hình thái, thể hiện một cách hoàn mỹ mối quan hệ giữa người và thần. Nghệ thuật Cơ đốc giáo cũng bao gồm tính bộc lộ, trạng thái và tính vạch trần, chỉ rõ chổ ở của con người không ngừng bị hoang vu hóa hoặc lạnh lẽo hóa do sự "thiếu vắng" Thần; ngoài ra nó cũng là những tác phẩm của Cơ đốc giáo tràn đầy ánh sáng, ấm áp lúc "có mặt" Thần và ôn tồn lên tiếng. (...) Con người ngoài trạng thái sinh hoạt vật chất ra, cuộc sống tinh thần chủ đạo suốt cả cuộc đời nó, cho dù là Thần "có mặt" hay "không có mặt"
Đàng sau những thành quả “về trong hân hoan tay ôm bó lúa thơm” là biết bao nhiêu bàn tay gieo trồng vất vả, chắc chắn có cả “gieo trong nước mắt” nữa. Nhìn như vậy thì những người cầm bút, cầm cọ, cầm máy chụp hay micro... thấy thực sự lên tinh thần. Quả là một ơn gọi và là một sứ mệnh. Những bài viết này mới chỉ là những gợi ý. Còn phải cần nhiều bàn tay đóng góp và mở lối. Và những buổi họp mặt như Đồng Xanh Thơ, Vườn Ô-liu, Sứ Điệp, Mạng Lưới Dũng Lạc là những bước dò dẫm tìm đường...
Mình sẽ có thể chuyển đạt gì cho một Việt Nam trong khung mạch văn hóa đang trong lúc chuyển mình?
Lm. Trần Cao Tường