Theo kết quả của những cuộc thăm dò mới đây về Giáo hội Công giáo Hoa kỳ do tổ chức CARA (Center for Applied Research in the Apostolate, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng về Hoạt động Tông đồ) thực hiện, người ta thấy có những thay đổi về thế hệ đang dần dần biến đổi dân số người Công giáo Mỹ. Một sự kết hợp những yếu tố di dân và tỷ lệ sinh sản khác biệt trong các nhóm thiểu số, nay đang làm cho căn tính chủng tộc và da mầu của dân số Công giáo đổi thay đáng kể theo từng thế hệ.
CARA thường xếp các người Công giáo Mỹ thành 4 thế hệ:
- “Thế hệ Trước Vatican II”: tuổi từ 68 trở lên vào năm 2010. Thế hệ này gồm những người sinh năm 1942 hoặc trước đó. Thành phần của thế hệ này bước vào tuổi thành nhân trước khi Công đồng Vatican II nhóm họp. Hiện nay số những người này chiếm 12% dân số Công giáo Mỹ.
- “Thế hệ Vatican II”: tuổi từ 50-67 vào năm 2010. Đây là những người được mệnh danh là “baby boomers”, sinh khoảng giữa những năm 1943 và 1960, một thời gian tăng trưởng mạnh mẽ về dân số và kinh tế. Thành phần của thế hệ này bước vào tuổi thành niên khi Công đồng Vatican II họp, và những năm học hỏi của họ trải dài trong khoảng thời gian có những đổi thay sâu xa trong Giáo hội. Hiện nay số giáo dân thuộc thế hệ này chiếm 31% dân số Công giáo Mỹ.
- “Thế hệ Sau Vatican II”: tuổi từ 29-49 vào năm 2010. Sinh trong khoảng giữa năm 1961 và 1981, thế hệ này đôi khi được các nhà nghiên cứu về dân số gọi là “Thế hệ X”, hay “baby busters”, không có kinh nghiệm sống về Giáo hội thời trước Công đồng Vatican II. Hiện nay số người thuộc thế hệ này chiếm 38% dân số Công giáo Hoa kỳ.
- “Thế hệ Millennial”: tuổi từ 18-28 vào năm 2010. Thế hệ này, sinh năm 1982 hay sau đó (đủ 18 tuổi tính đến năm 1992 để được kể là thành niên), là những người sống dưới các triều giáo hoàng Gioan Phaolô II và Benedict XVI. Vì một số còn ở chung với cha mẹ nên lối sống đạo thường liên quan chặt chẽ với gia đình. 19% số người thành niên Công giáo Hoa kỳ thuộc vào thế hệ này.
Biểu đồ dưới đây cho ta thấy các khác biệt giữa những nhóm này không chỉ giới hạn ở tuổi tác. Dựa theo những kết quả nhiều cuộc thăm dò mới đây của CARA cho thấy cứ 4 người Công giáo thuộc thế hệ lớn tuổi nhất, thì có tới 3 tự nhận là người Da trắng (không phải gốc Hispanic). Nhưng đối với thế hệ trẻ nhất những người đã thành niên, thì cứ 10 người, chỉ còn dưới 4 người tự nhận như thế.
Bảng so sánh tỷ lệ về chủng tộc người Công giáo thành niên ở Mỹ theo từng thế hệ

Xanh đậm: Da trắng (không phải là Hispanic)
Nâu: Người Hispanic hoặc Latino
Xanh lá: Da đen hay người Mỹ gốc Phi
Tím: Người Á châu/Dân đảoThái bình dương
Xanh lam: Người Da đỏ hay Thổ dân Mỹ
Vàng: Các nhóm khác
Những người Công giáo tự nhận là Da đen (hoặc Mỹ gốc Phi), Á châu (hoặc dân các đảo Thái bình dương,) Thổ dân Mỹ, xét theo các thế hệ, đều có một tỷ lệ rất giống nhau. Tuy nhiên, sự tăng trưởng đáng kể nhất thấy được trong nhóm người Công giáo tự nhận là Hispanic (hoặc Latino): Thế hệ truớc Công đồng Vatican II, họ chỉ chiếm 15%, nay ở thế hệ Millennial, họ chiếm tới 54% dân số Công giáo Mỹ.
Vào những tháng ngày sắp tới, thấp thoáng ở chân trời, còn có một thế hệ thứ 5. Tuy không có luật lệ rõ ràng nào để phân chia các thế hệ, nhưng người ta thường chấp nhận rằng những trẻ em Công giáo sinh vào thời gian hiện nay không thuộc vào thế hệ Millennial (thế hệ này bắt đầu với những người sinh năm 1982 và chấm dứt với những người sinh khoảng năm 2002).
Đối với thế hệ Millennial, còn rất nhiều nghiên cứu phải thực hiện.
Thông thường, ta chỉ biết về những người trong lớp tuổi từ 18 hoặc lớn hơn qua những cuộc khảo sát. Do đó, khoảng phân nửa số người thuộc Thế hệ Millennial (những người sinh từ 1993 đến 2002) chưa phải là đối tượng trong các cuộc thăm dò. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy thành phần này trong lớp người thuộc Millennial hoặc thế hệ thứ 5 nay đang thành hình, sẽ làm thay đổi chiều hướng dẫn tới một tình trạng đa dạng hơn về mầu da và chủng tộc trong dân số Công giáo Hoa kỳ như hiện nay.