MỖI NGƯỜI CÔNG GIÁO NÊN CÓ MỘT CUỐN KINH THÁNH
THÔNG ĐIỆP CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC KHUYẾN KHÍCH NGƯỜI CÔNG GIÁO NÊN CÓ SÁCH THÁNH Vatican (CNS) - Tôn kính Lời Chúa phải dẫn người Công giáo đến chỗ cầu nguyện, đến những hành động bác ái cụ thể, đến sự kết hợp với những người Kitô hữu khác và đến cuộc đối thoại với tất cả mọi người có thiện chí.
Trong sứ điệp kết thúc gửi cho người Công giáo trên thế giới, công bố ngày 24 tháng 10, 253 thành viên của Thượng hội đồng giám mục nói rằng mỗi người Công giáo nên có một cuốn Kinh Thánh, đọc và cầu nguyện với cuốn sách thánh này thường xuyên.
“Mỗi nhà nên có một cuốn Kinh Thánh, giữ gìn cho xứng đáng, đặt ở nơi dễ trông thấy, đọc và cầu nguyện với cuốn sách đó.”
Và cũng giống như Đức Giêsu đã tới để rao truyền niềm hy vọng và ơn cứu độ “người Kitô hữu có sứ mạng phải rao truyền Lời Chúa về niềm hy vọng đó bằng cách chia sẻ với người nghèo túng, người đau khổ, qua chứng tá đức tin trong vương quốc chân lý và sự sống, sự thánh thiện và ơn phước, công lý, tình yêu và hoà bình.”
“Lắng nghe chân thật tức là vâng phục và thực hành. Điều đó có nghĩa là làm cho công lý và tình thương triển nở trong cuộc sống.”
Giải thích Lời Chúa cho người khác là điều chưa đủ mà phải để cho người khác thấy được và cảm nghiệm được sự tốt lành của Thiên Chúa qua công việc tốt đẹp chúng ta thực hiện.
Tổng giám mục Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng giáo hoàng về văn hóa và là nhân vật chính trong công tác soạn thảo thông điệp của Thượng hội đồng giám mục, nói với các ký giả rằng “nếu lời Chúa là tình thương, thì người đọc và cầu nguyện lời Chúa phải thể hiện tình yêu thương. Phải đi tới hiệp thông, đồng cảm và đối thoại.”
Gần đến ngày kết thúc, Thượng hội đồng giám mục đã được nghe – đây là lần đầu tiên – một diễn từ quan trọng của vị lãnh tụ khối Kitô giáo Chính thống trên thế giới, là đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew thành Constantinople; do đó các giám mục cũng nhấn mạnh rằng “tôn kính và yêu mến Lời Chúa là “nguyên tắc và nguồn mạch của sự hiệp nhất đầu tiên và thực sự” mà người Công giáo chia sẻ với những người theo Kitô giáo khác.
“Mối dây liên kết này phải được tăng cường” qua những công tác chung như phiên dịch và phân phối Kinh Thánh, chia sẻ lời cầu nguyện, đối thoại và nghiên cứu về những tiến trình khác biệt khi chú giải và “cùng chung làm chứng nhân cho Lời Chúa trong một thế giới đã tục hóa.”
Các giám mục nói rằng do sự kiện người Kitô hữu và người theo Do thái giáo cùng công nhận và yêu kính Cựu Ước, do đó họ được kêu gọi “tăng cường gặp gỡ” nhau nhiều hơn. Khi gia tăng học hỏi về Do thái giáo, người Kitô hữu có thể học biết thêm về Đức Giêsu và các môn đệ của Người đều là những người Do thái, và làm phong phú sự hiểu biết của mình về Kinh Thánh khi học hỏi về các truyền thống chú giải của người Do thái.
Vì người Hồi giáo công nhận các chủ đề, nhân vật, biểu tượng trong Kinh Thánh, và tin “vào một Thiên Chúa duy nhất, nhân hậu và từ bi, đấng sáng tạo mọi loài và đấng xét xử nhân loại”, người Kitô hữu cũng được mời gọi đối thoại với họ.
Lòng tôn trọng sự sống, chiêm niệm, thinh lặng, giản dị, xả thân của người Phật tử; ý thức sự thánh thiêng, hy sinh, chiêm bái, chay tịnh và các biểu tượng linh thánh của người theo Ấn giáo; sự đề cao “minh triết, gia đình và các giá trị đạo đức trong xã hội” của người theo Khổng giáo; tất cả đều là những mảnh đất tốt cho các cuộc đối thoại.
Trong sứ điệp, các vị giám mục cũng giải thích những hình thức khác nhau thể hiện nơi Lời Chúa: Lời Thiên Chúa phán để tạo dựng vũ trụ nay còn được trông thấy khắp thiên nhiên; Kinh Thánh ghi chép lịch sử ơn cứu độ, được viết ra với sự linh hứng của Chúa Thánh Thần; và Đức Giêsu, ngôi Lời nhập thể.
“Vì thế, Lời Chúa có trước và vượt ra ngoài Sách Thánh; do đó thực sự tôn kính Lời Chúa là phải loại trừ cách đọc Kinh Thánh theo chủ thuyết cơ bản (nghĩa là giải thích Kinh Thánh theo nghĩa từng chữ).
Chủ thuyết cơ bản “không công nhận rằng đây là lời (của Chúa) thể hiện trong Kinh Thánh bằng ngôn ngữ loài người nên phải được giải mã, nghiên cứu và tìm hiểu.”
Santiago Silva Retamales, Giám mục Phụ tá giáo phận Valparaiso nước Chile và là phó chủ tịch ủy ban soạn thảo thông điệp của Thượng hội đồng giám mục, cho các ký giả biết rằng tầm quan trọng của Kinh Thánh nằm ở sự kiện đó là “nơi gặp gỡ với Ngôi Lời, là Thiên Chúa.”
“Một cuốn sách không biết lắng nghe, một cuốn sách không biết an ủi, một cuốn sách không biết thách đố, nhưng Thiên Chúa làm được những việc đó.
“Khi ghi chép sự sáng tạo ra người nam, người nữ, cuộc chiến đấu chống lại tội lỗi và áp bức của họ, hành động giải thoát của Thiên Chúa và ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, là Kinh Thánh chứa đựng mẫu mực cho tiến trình giải phóng.”
“Ở châu Mỹ Latinh và nhiều nơi khác trên thế giới, người nghèo họp nhau lại để đọc Kinh Thánh, và họ được Đức Giêsu cảm hóa.
“Họ nhận thức được thân phận và phẩm giá của mình trong vai trò người nam, người nữ. Họ hiểu biết hơn và hành động như là những môn đệ của Đức Giêsu. Và dần dà, từng chút một, niềm xác tín và sự hăng say được làm người Kitô hữu dẫn họ đến chỗ dấn thân vào xã hội, đem vào đó men muối và các giá trị Nước Trời.”
Tác giả:
Phạm Hoàng Nghị
|