Việt Hải
Theo lịch sử báo chí
thì 59 năm trước Công Nguyên, hoàng Đế Julius Caesar ra chỉ thị viết một bản tin
những sự việc xảy ra trong kinh thành La Mã trong mục đích thông tin hành chánh.
Đến năm 713 sau Tây Lịch thì người Trung Hoa ra tờ báo đầu tiên viết tay. Rồi
cách đây tròn 400 năm tức năm 1605 một chủ tiệm nhà in tên Johann Carolus tại
thành phố Strasbourg, ngày nay thuộc Pháp quốc ra tờ báo in đầu tiên trên thế
giới. Điều này khai phá một chân trời truyền thông đại chúng cho thế giới. Đến
năm 1908 nớc Mỹ đầu tiên mở ra môn báo chí học (jounalism) do giáo sư Walter
Williams tiên phong tạo dựng chương trình học tại đại học Missouri, Hoa
Kỳ.
Phần trên là tóm tắt
đôi điều về lịch sử khai sách của lãnh vực báo chí trên thế giới. Bài viết này
người viết sẽ cô đọng lại những hoạt động khai sáng ngành làm báo, viết báo tại
miền nam Việt Nam trong tiến trình phổ biến tin tức cho quần chúng, mặc dù chính
sách chủ trương "ngu dân" của chủ nghĩa thực dân Pháp cũng đã giới hạn tầm hiểu
biết của ông cha ta khi xưa.
Sau khi nhà truyền
giáo Đắc Lộ đã sáng chế ra chữ quốc ngữ được phổ biết trong giới Thiên chúa giáo
khi truyền đạo, chữ quốc ngữ thuở ban sơ là phương tiện truyền giáo nhất là khi
Pháp đặt chân đến miền Nam, thì chữ quốc ngữ được dùng làm phương tiện thông đạt
(communicate) và liên lạc để ngõ hầu đô hộ dân Việt Nam ta dễ dàng hơn. Những
học giả tiên phong tiền bối có công lớn trong công ích phát triển chữ quốc ngữ
không ai khác hơn các vị Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Của, Trương Minh Ký, dể rồi
chữ quốc ngữ có cơ hội thăng tiến mạnh mẻ, được phổ biến, truyền bá đến quảng
đại quần chúng. Các tác phẩm văn chương Việt Nam, truyện tích đời
xưa, nhằm mục đích truyền bá tư tưởng Khổng Mạnh, phổ biến văn chương Việt Nam
và chữ quốc ngữ.
Riêng về lãnh vực
báo chí, theo bài viết "Các công trình văn học quốc ngữ miền Nam" của học giả
Huỳnh Ái Tông thì khởi đầu là tờ Gia Ðịnh Báo ra đời ngày 15-4-1865, kế đó là
Phan Yên Báo ra năm 1868, Nông Cổ Mín Ðàm 1901... Sau đó đến thời kỳ thơ như Lục
Vân Tiên của Nguyễn Ðình Chiểu do Trương Vĩnh Ký phiên âm ra quốc ngữ năm 1880,
sau đó là dịch truyện Tàu vào khoảng năm 1904, còn quyển tiểu thuyết được viết
đầu tiên và in năm 1887, là quyển Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, rồi
quyển Hoàng Tố Oanh Hàm Oan của Trần Chánh Chiếu chào đời năm 1910, đó chỉ mới
nhen nhúm gây thành phong trào viết tiểu thuyết sau nầy. Các giai đoạn ấy đã tạo
thành trào lưu văn học quốc ngữ, nó mang sắc thái và truyền thống đặc biệt mang
cá tính của người miền Nam.
Trong khi đó chữ
quốc ngữ ở miền Bắc được chính thức sử dụng từ năm 1913, sau khi miền Nam đã
chính thức sử dụng chữ quốc ngữ trên 20 năm và đã gần nửa thế kỷ truyền bá chữ
quốc ngữ. Thuở phôi thai của ngành báo Việt Nam có 4 tờ báo góp
mặt cho sinh hoạt làm báo hay viết báo thuở ban sơ như sau:
· Gia Định Báo
· Phan Yên Báo
· Nhựt Trình
Nam Kỳ
· Thông Loại Khóa
Trình
Học giả Trương Vĩnh
Ký là nhân vật cầm đầu có công trong ngành báo chí tại Việt Nam. Theo nhà biên khảo
Nguyễn Vy Khanh khi ông viết bài "Về Trương Vĩnh Ký Và Một Số Vấn Đề Văn Bản,
Lối Nhin..." , Nguyễn Vy Khanh viết:
"Trương Vĩnh Ký làm
báo cho Pháp: Gia Định Báo lúc đầu là một thứ công báo của chính quyền thực dân
Pháp, nhưng từ 1869 (nghị định 189 ngày 16-9-1869), Trương Vĩnh Ký, một cộng tác
viên từ 1865, được cử làm Chánh-tổng-tài và Huình Tịnh Paulus Của làm chủ bút,
Tôn Thọ Tường, Trương Minh Ký, v.v., trong ban biên tập. Gia Định Báo được thêm
phần truyền bá chữ quốc ngữ, khuyến khích dùng thứ chữ này để viết báo viết văn
- báo khuyến khích độc giả viết chuyện ở các địa phương họ ở bằng chữ quốc ngữ;
và cổ động cho lối học mới. Từ 4 trang lên 16 trang. Vô tình, Gia Định Báo đã
đóng vai trò tiền phong truyền bá cái về sau gọi là văn học chữ quốc ngữ. Đến
năm 1874, J. Bonet được cử làm chánh tổng tài thay Pétrus Ký, thì tờ Gia Định
Báo trở lại với vai trò thông tin tuyên truyền cho chính quyền thuộc địa và rút
lại 4 trang như trước. Trương Vĩnh Ký chỉ làm báo cho Pháp một thời gian ngắn
trong suốt quá trình hoạt động văn hóa của ông. Ngoài ông ra, làm báo theo lệnh
Pháp hay nhận tiền của Pháp còn có Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn,
Nguyễn Bá Học, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Đức Quỳnh,... Nếu thêm danh tính các khuôn
mặt lớn khác đã làm báo cho Pháp, Trung-cộng, Liên Xô, cho Mỹ trước và sau
1975,... danh sách sẽ dài ra!"
Nguyễn Vy Khanh ôn
lại giai đoạn Chữ quốc ngữ: "Trương Vĩnh Ký thông thạo nhiều thứ tiếng và cả chữ
Nôm chữ Hán, nhưng ông đã có cái nhìn thực tiễn khi cổ động việc xử dụng chữ
quốc ngữ để thay thế hai thứ chữ không đến được dân gian. Ông viết, phiên âm và
phiên dịch các tác phẩm chữ Nôm, Hán qua chữ quốc ngữ, mà các bản dịch Tứ Thư
Ngũ Kinh đã là những công trình quí hiếm vì trước đó chưa bậc tiền bối nào đã
dịch ra chữ Nôm! Ông lại soạn tự điển và viết sách văn phạm tiếng Việt, làm
chuyện đến lúc đó chưa ai làm qui mô. Trong bộ Sơ Học Qui Chánh (Manuel des
écoles primaires) gồm 3 tập mà cuốn đầu Syllabaire Quốc ngữ xuất bản năm 1876,
Trương Vĩnh Ký đã cho biết "Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của đất nước.
Phải như thế vì lợi ích và sự tiến hóa. Vậy, người ta nên tìm cách phổ biến thứ
chữ này bằng mọi phương tiện...". Trong cuốn Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký
in năm 1866 là ấn phẩm văn xuôi đầu tiên bằng chữ quốc ngữ; chúng tôi nhấn mạnh
ấn phẩm vì trước ông đã có những bản viết tay bằng chữ quốc ngữ của các vị thừa
sai và tu sĩ người Việt, như Bento Thiện đã viết về lịch sử Việt Nam năm 1659,
và đã có những cuốn tự điển của Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), Tabert và Phan Văn
Minh, v.v. Tập từ điển của Tabert (1838) có phụ lục chuyện Inê Tử Đạo Văn gồm
560 câu thơ lục bát."
Đó là tờ Gia Định
Báo đầu tiên của Trương Vĩnh Ký. Tờ thứ hai ra sau là tờ Phan Yên Báo do nhiều
nhà nghiên cứu đều cho rằng Phan Yên Báo được xuất bản năm 1868, do ông Diệp Văn
Cương chủ trương biên tập, về nội dung như Gia Ðịnh Báo lúc đầu, tờ báo nầy về
sau bị đóng cửa, vì có những bài báo có tánh cách chánh trị, do vậy mà tờ Phan
Yên Báo ngày nay không còn, cũng không rõ nó là nguyệt san hay tuần san.
Có người cho rằng
Phan Yên hay từ ngữ nói lái của Phiên An Trấn là tên cũ của đất Gia Ðịnh và Phan
Yên Báo là tờ báo viết bằng chữ Hán do Nguyễn Trường Tộ làm chủ nhiệm. Như chi
tiết của bài viết từ Huỳnh Ái Tông. Theo học giả này thì qua tiểu sử của ông
Diệp Văn Cương, tờ Phan Yên Báo của ông không thể có vào những năm đầu Pháp mới
đô hộ miền Nam, ít ra báo của ông cũng chỉ có từ 1880 hay trễ hơn, còn Phan Yên
Báo của Nguyễn Trường Tộ nếu có, chắc không xuất bản ở miền Nam, vì nó là tờ báo
chữ Hán.
Tờ thứ ba là Nhựt
Trình Nam Kỳ, là một tuần báo, xuất bản số đầu vào năm 1883, đăng thông tin tin
tức. Tờ thứ tư có nhiều mục hơn, và nó là cội nguồn cho những tập san tạp chí
sau này. Tờ đó chính là Thông Loại Khóa Trình, học hỏi từ tờ Gia Ðịnh Báo ở chỗ
có hàng chữ Hán Thông Loại Khóa Trình ở trên, bên dưới là hàng chữ Miscellanées,
số 1 và 2 không ghi tháng phát hành, số 3 có ghi Juillet 1888, như vậy số 1 có
thể ra vào tháng 5 (Mai) năm 1888. Số cuối cùng là số 18 ra tháng 10-1888. Khổ
16cm x 24cm, từ số 1 đến số 3 mỗi số có 12 trang, từ số 4 trở đi, mỗi số có 16
trang. Theo tin từ Huỳnh Ái Tông, từ số đầu cho đến số 5, các bài đều không có
ghi tên tác giả, những bài ấy đều của Trương Vĩnh Ký viết, kể từ số 6 mới có
thêm các bài văn vần, gọi là diễn Nôm của Trương Minh Ký làm để giải nghĩa các
câu chữ Nho, có lẽ để cho người ta dễ học thuộc lòng, sau đó mới có bài của
những người khác. Về nội dung của Thông Loại Khóa Trình gồm có:
Dạy chữ Nhu (chữ
Hán)
Dạy chữ Pháp (thời
bấy giờ gọi là Phang sa hay Lang sa)
Giảng nghĩa về luân
lý
Khảo cứu về thi ca,
phong tục.
Nhơn vật (danh nhân)
Do vậy, Thông Loại
Khóa Trình được coi như nguyệt san văn học, nội dung gồm có những bài sao lục,
một số bài khảo cứu và sáng tác, phần lớn dùng văn vần và không có hình ảnh
trang trí lồng vào bài hay trên tờ báo.
Từ ngày 16-9-1869
đến nay đã 136 năm qua kể từ tờ báo Gia Định Báo của Trương Vĩnh Ký khai mở một
trang sử báo chí học Việt Nam, báo chí hải ngoại ngày nay nở rộ tại hải ngoại về
phẩm và lượng. Điều chắc chắn trong ngành báo chí Việt Nam duy nhân bản phục vụ
văn học hay dân sinh thì quả học giả hay nhà báo khai phóng Trương Vĩnh Ký hẳn
là sư tổ của làng báo Việt Nam vậy.
Việt Hải Los
Angeles