Lịch sử những cuộc bách hại đạo Công Giáo tại Việt Nam
- Tập 1: Thời Kỳ Trịnh Nguyễn và Tây Sơn (Phần I, II, III)
- Tập 2: Nhà Nguyễn từ 1833-1840. (Phần IV)
- Tập 3: Nhà Nguyễn từ 1840-1886. (Phần V)
Nước Việt Nam vào thế kỷ thứ 17 do các vị lãnh chúa thuộc hai họ Trịnh và Nguyễn chia đôi đất nước để cai trị. Họ Trịnh hùng cứ Bắc Việt, còn được gọi là xứ Ðàng Ngoài; Họ Nguyễn làm chúa Nam Việt, gọi là xứ Ðàng Trong. Người Âu Châu khi đến buôn bán với chúa Nguyễn Hoàng đã khám phá ra rằng có hai chính quyền khác nhau, họ gọi miền Bắc là Tonkin và miền Nam là Cochin-china.
Cha Ðắc Lộ giải thích như sau: "Người Trung Hoa gọi Việt Nam là Ðông-Kinh để phân biệt với Nam Kinh và Bắc Kinh của họ, nhưng họ đọc vần "đ" không được nên mới đọc là Ton-kin, còn xứ Nam được gọi là Cochin-china vì người Nhật Bản hay gọi người Việt là Giao Chỉ hoặc Chiaoci, và người Bồ Ðào Nha sợ lẫn với thành phố Co-chi bên Ấn Ðộ nên họ gọi Nam Việt là Cochin-china (Co-chi bên Trung Hoa).
Nguyễn Hoàng (1558-1613) cũng gọi là Chúa Tiên, được Trịnh Kiểm cho coi Thuận Hóa từ năm 1558 và mười năm sau xin coi thêm Quảng Nam. Tại Quảng Nam ngoài Dinh Chiêm còn có hai đô thị buôn bán quan trọng là Hội An (Faifo) và Cửa Hàn (Y Turan). Hai nơi có sông thông với nhau làm thành một khu thương mại phồn thịnh. Tại Hội An có hai phố, một dành cho người Trung Hoa Minh Hương trốn nhà Thanh sang lập nghiệp, và một dành cho người Nhật trốn tránh cuộc bắt đạo ở Nhật. Mỗi khu phố có quan và tổ chức riêng theo phong tục của họ, đồng thời nộp thuế cho chính phủ.
Từ năm 1604 Nguyễn Hoàng phân chia lại các huyện trong lãnh thổ của mình như sau: Trấn Thuận Hóa có hai phủ là Ðiện Bàn và Quảng Bình; Trấn Quảng Nam có ba phủ là Thăng Hoa, Quảng Nghĩa và Hoài Nhân. Các vị thừa sai thường viết Thuận Hóa là Sinoa và Quảng Nam là Cacham. Năm 1613 Nguyễn Phước Nguyên cầm quyền thay cha, rất mộ mến Phật Giáo nên còn được gọi là Chúa Sãi, bỏ lệ triều cống và tự xưng vương...........