Truyện dài của
Đường Phượng Bay
(All copyrights reserved)
Riêng tặng các Linh Mục đã và đang vươn lên cho một lý tưởng. (Đường Phượng Bay)
Giới Thiệu
Tôi đã đọc một cách rất say sưa hứng thú bản thảo cuốn Mây Vẫn Nhớ Ngàn của Đường Phượng Bay. Vừa đọc MVNN, tôi vừa liên tưởng tới 2 tác phẩm khác: Đó là Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng và Tóc Mây của Lệ Hằng. Sở dĩ tôi đã nghĩ ngay tới 2 tấp truyện này là vì nội dung của cả ba tác phẩm đều có nhiều điểm giống nhau để cùng hấp dẫn như nhau; và theo tôi, 3 tác phẩm trên đây đã đánh dấu chặng chuyển mình lớn lao trong lịch sử tiểu thuyết của làng văn Việt Nam.
Chúng ta còn nhớ: Năm 1930, nhóm Tự Lực Văn Đoàn ra đời với những nhà văn lỗi lạc như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam.....Riêng cuốn Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng xuất bản vào năm 1932 đã như một luồng gió mới thổi vào lòng người, gây nhiều hứng khởi cũng như có sức làm thay đổi cả một lối sống và cách suy tư của thanh niên nam nữ. Cuốn HBMT đã được nồng nhiệt đón nhận bởi một nội dung hoàn toàn mới lạ, với lối diễn tả uyển chuyển, cộng với lời văn óng ả, nhẹ nhàng và tươi sáng tựa áng mây. HBMT đã hấp dẫn thanh niên khiến nhiều kẻ mê mệt qua câu truyện tình thật mới lạ xẩy ra dưới cửa Từ Bi, giữa "chú tiểu” Lan và chàng sinh viên Ngọc, tạo nên một mối tình đẹp như mơ và dịu dàng như cái nhìn âu yếm hiền từ của Đức Phật. Thế là Hồn Bướm Mơ Tiên đã trở nên món quà quý báu cho thanh niên nam nữ và mối tình Ngọc & Lan đã được coi như mối tình lý tưởng, như khuôn mẫu của thế hệ 1930, lồng trong sự chuyển mình hứng thú của nên văn học Việt Nam, đặc biệt trong lãnh vực tiểu thuyết.
Sau đó, người ta phải chờ đợi cho tới năm 1970 mới lại được đọc tập truyện Tóc Mây của Lệ Hằng, cũng độc đáo mới mẻ qua câu truyện tình yêu lồng trong tôn giáo mà vai chính lại là một Linh Mục Công Giáo. Có thể nói được, từ trước chưa thấy nhà văn nào viết về một đề tài tương tự. (Chưa nghĩ tới hay không dám nghĩ tới?). Thanh niên nam nữ lại một lần nữa bị thu hút bởi mối tình kỳ thú giữa Cha Duy và cô nữ sinh viên Tố Kim. Ai nấy đã lại đua nhau đi tìm đọc Tóc Mây, và đọc rồi lại chuyền tay cho bạn bè đọc. Qua ngọn bút tài hoa của Lệ Hằng, con người Linh Mục đã được thêu dệt, thần thánh hóa và đãy sức hấp dẫn lôi cuốn nữ giới. Thế là vì ảnh hưởng của Tóc Mây, Linh Mục đã một thời trở thành đối tượng tình yêu của con gái, nhất là của lứa tuổi "choai choai" ưa mơ mộng. Một số không ít các cô đã muốn mở những cuộc phiêu lưu tình yêu với "thẽ giới tu trì" !
Và rồi hôm nay, sau những biến chuyển đau buồn của quê hương đất nước do quốc nạn 30 tháng 4- 75 gây nên, sau những cảnh chia ly xót xa và những cảnh ngậm ngùi với cuộc đổi đời và kiếp sống tha hương, người ta lại bất ngờ gặp được Đường-Phượng-Bay với tác phẩm MÂY VẪN NHỚ NGÀN, cũng hấp dẫn độc đáo qua câu truyện tình cao đẹp nhưng não ruột của Cha Thảo và cô Nga. Đường-Phượng-Bay đã diễn tả mối tình dang dở éo le đầy thơ mộng này qua cái nhìn của vịi Linh Mục đóng vai chính trong tập truyện. Độc giả sẽ phải say sưa theo dõi những tình tiết ngay từ buổi khởi đầu mối tình nở hoa trong bệnh viện Saint Paul Saigon (thay vì dưới cửa Từ Bi như ở Hồn Bướm Mơ Tiên hay trong Đại học xá của cha Duy và Tố Kim). Mây Vẫn Nhớ Ngàn còn độc đáo với cái bối cảnh của quê hương sau dịp nước mất nhà tan: Có học tập, có nghĩa vụ thủy lợi, có Kinh tế mới, và cũng có cả chuyện vượt biên, tỵ nạn.....
Áng mây "Thảo" đã tựa hồ rã rời sa xuống mặt đất trong dịp nằm bệnh viện, tâm trạng hoang mang tuyệt vọng bởi cuộc đổi đời cũng như bởi hoàn cảnh bị bỏ rơi đầy chán nản cô độc. Cô y tá Nga đã xuất hiện như một "bà tiên" để rồi cuộc tình "êm dịu” giữa 2 người đã như niú kéo Thảo dừng chân mà quên đi cái lý tưởng trên cao. Đã có lúc, Thảo phải thốt lên: "Nga đã đến làm thay đổi cả những công thức tư tưởng trong đầu tôi, đã ướp vào mạch máu, vào tim gan tôi một luồng khí mới lạ đầy tươi mát, thật dịu dàng.....”.
Độc giả phải hồi hộp chờ đợi xem kết quả cuộc tình của 2 người sẽ đi tới đâu và Mây Vẫn Nhớ Ngàn sẽ kết thúc thẽ nào. Có lẽ nhiều người sẽ vừa muốn cho cuộc tình không trở thành bi thảm, lại vừa muốn cho Thảo không phải lìa xa lý tưởng ....
Đường-Phượng-Bay đã chọn giải pháp "nhẹ nhàng" là cho Thảo dựa vào lý do chính đáng để xa lìa Nga, cố gắng vượt lên trên cái thường tình của con người mà 2 lần ra đi. Dẫu cho Nga chỉ dám mơ ước được sống gần để thỉnh thoảng được trông thấy Thảo (giống như Ngọc trong HBMT chỉ xin chân thành thờ
cái linh hồn dịu dàng của Lan trong tâm trí và luôn sống trong thế giới mộng ảo của ái tình chứ không đi lập gia đình), nhưng chàng vẫn phải dứt khoát ra đi vì trước sau thấy mình vẫn là LINH MỤC: "Như cánh chim tìm về cành cao vì chim không hề hót được ở dưới đất”. Thế cũng là như MÂY LUÔN LUÔN NHỚ VỀ NGÀN.
So sánh với các nhân vật Ngọc và cha Duy, cha Thảo của MVNN được coi như thành thật và can đảm hơn. Thảo đã không ngần ngại khi phải xác nhận cái "tôi" trong con người Linh Mục của mình, biết mình chưa phải là thần thánh, nhưng luôn còn yếu đuối như muôn nghìn người khác, và chàng đã liên lỉ và
kiên trì vươn lên, vươn lên cho bằng được để sống cái lý tưởng cao đẹp của mình.
Qua Mây Vẫn Nhớ Ngàn, độc giả sẽ có dịp gặp được con người thật của Linh Mục, một thành phần được coi là "tuyển chọn" của Thiên Chúa để làm nhân chứng cho nước trời ngay giữa trần gian đầy "bụi bặm" này.
Phải chăng chính cái ý nghĩa và giá trị đặc biệt của Mây Vẫn Nhớ Ngàn là ở chỗ đó?
New Orleans, vào thu 1984
Linh Mục VIỆT CHÂU, SSS
Chủ nhiệm nguyệt san Dân Chúa.
New Orleans, Louisiana U.S.A.