Mục Lục
Lời nói đầu
1. Mối tình Non Nước và ý nghĩa thi ca
2. Đạo trong Lão học và trong Nho học
3. Khổ và cứu khổ
4. Nỗi khắc khoải của kiếp người
5. Từ huyền thoại nhân bản đến ưu tư về thân phận con người
6. Nhớ quê nhà
Định Hướng Tùng Thư
13 g rue de l’ILL, Reichstett, France
ESBN 2-912554-33-0
Tác giả
Nguyễn Đăng Trúc
Giáo Sư Triết Học PK Nhân Văn và Nghệ Thuật, ĐH Minh Đức
Hội trưởng Hội Văn Hóa TRUNG TÂM NGUYỄN-TRƯỜNG-TỘ
Chủ nhiệm Tập san Định Hướng và Định Hướng Tùng thư
Giảng sư PK Thần học, ĐH Strasbourg, Pháp
Các tác phẩm đã xuất bản
- Nhớ Nguồn 1995
- Văn Hiến, nền tảng của minh triết 1996
- Bài giảng trên núi 1996
- Trong Đức Kitô, Giáo hội cầu nguyện: lạy cha chúng con 1997
- Tiếp cận tư tưởng Việt Nam: Vấn đề triết học 1999.
- Tiếp cận tư tưởng Việt nam: Tư tưởng Nguyễn Du qua Đoạn Trường Tân Thanh 1999
**********************************
Lời nói đầu
Đây không phải là một luận văn triết học, nhưng là tập hợp một số suy tư về một vài chủ đề nhất định được đăng trong Tập San Định Hướng. Các chủ đề xem ra rời rạc, nhiều ý tưởng lại được lặp lại nhiều lần; những hiện tượng đó đi ngoài qui ước của một tác phẩm triết học theo khuôn khổ cổ điển; nhưng chúng vẫn được cho ấn hành thành một quyển sách, vì xuyên qua những chủ đề đó tôi chỉ muốn đào sâu câu nói lạ thường của Martin Heidegger:
Điều làm cho chúng ta suy nghĩ hơn cả trong thời đại của chúng ta, một thời đại đang làm ta suy nghĩ, đó là chúng ta chưa từng suy nghĩ [1].
Chúng ta chưa từng suy nghĩ, vì theo nhà tư tưởng này:" Có thể là con người truyền thống đã quá mải miết hành động và không mấy suy tư suốt qua bao thế kỷ " [2].
Để hiểu thế nào là hành động theo quan điển của Martin Heidegger, tôi xin ghi lại một cử chỉ đặc trưng của nhà tư tưởng này khi ông đề tặng cuốn sách của ông: " Kant et le problème de la métaphysique" tưởng niệm triết gia Max Sheler tạ thế bất ngờ vào năm 1924. Vào đầu năm ấy, Max Sheler định cho xuất bản cuốn "Anthropologie philosophique" (Nhân học triết học) nhằm khai triển vấn nạn "con người là gì, vị thế của nó như thế nào trong hữu thể ?". Max Sheler được biết đến như một triết gia đã có công truy cứu về bản tính con người, được gọi là nhân vị, kết dệt bởi các hành vi yêu thương và liên đới.
Martin Heidegger không chỉ trích Max Sheler về việc triết gia này đặt lại vấn đề con người như nền tảng của suy tư triết học, vượt qua những hệ thống duy lý truyền thống chỉ tập chú truy cứu các ý niệm trừu tượng. Nhưng Heidegger cảnh giác rằng những nội dung như nhân vị, yêu thương, liên đới...có nhảy vọt ra khỏi tiền kiến về cách đặt vấn đề căn bản về con người hay không? Tiền kiến đó ở trong câu hỏi khởi đầu của Max Sheler "Con người là cái gì ?". Chữ "cái gì" hàm ngụ một vật thể trụ vào bản chất của mình, không tương quan cần thiết với cái gì khác mình, đồng thời tiên đoán con người như một vật thể có khả năng am tường các bản chất đó. Suy tư biến thành hành động thu tóm toàn bộ các bản chất vật thể thành một tổng thể, một Đại Ngã đang hình thành.
Nhưng truyền thống của lối suy tư đó như lời của Gioan: " Suốt đêm, họ đã chẳng bắt được gì" [3]. Tất cả là đêm tối vì con người không phải là "cái gì", cũng không phải là toàn thể những cái gì cộng lại, nhưng mỗi người là một "ai".
Chữ "ai" không phải là thế giới của hành động qui về mình, nhưng là cảnh vực của Lời nói, để gọi tên mỗi người khác mình, lôi mình ra khỏi cơn mê của "chấp ngã" hành động.
Cả một truyền thống triết học đã hành động quá nhiều để mặc nhiên hay minh nhiên xây dựng cho cái tôi của thế giới vật thể; nên khởi đầu học lại suy tư không phải làm thêm một thế giới của một "cái gì" khác nữa; nhưng là tập lắng nghe âm vang của Lời ẩn kín giúp con người bước vào ngưỡng cửa của cảnh vực của Ai và những ai.
"Ai ?", một chữ mà mọi người đều đã s ử dụng, nhưng ngay cả bậc thánh hiền cũng bất cập trước mầu nhiệm của con người khi nó là "một ai".
Reichstett, ngày 05 tháng 03 năm 1994
--------------------------------------------------------------------------------
[1] M. HEIDEGGER, Qu'appelle-t-on penser ? bản dịch của Aloys Becker và Gérard Granel, PUF, Paris, 4è éd. 1983, tr. 24
[2] M. HEIDEGGER, sd. tr. 23
[3] Gioan 21. 3