LÊN ĐƯỜNG
Balê 23 bảy 1968
Mãi chiều nay mới lấy được chiếu khán Ấn Độ. Vội một tí, nhưng vẫn có thể lên đường ngày mai như đã định trước.
Ấn Độ không đến nỗi xa lạ gì đối với tôi. Sáu năm trước, khi xuất dương du học, tôi đã có dịp ghé qua một hải cảng. Nhưng Ấn Độ ngày ấy khác, vì ngày nay, chính tôi đã đổi khác. Sau sáu năm nghiên cứu Ấn triết, bừng tỉnh tôi đã giác ngộ, đã khám phá ra xứ Tây Trúc của Huyền Trang xưa kia. Và ngày nay, theo gót Huyền Trang, tôi muốn tới “thỉnh kinh” dưới “gốc cây Bồ đề” của tôn giáo Ấn. Phải, tấm bằng chuyên khoa Ấn học chỉ mới trỏ (nirupay) cho tôi xứ Ấn, còn để hiểu Ấn, tôi cần phải đến tận nơi quan sát và sống nghiệm.
Đọc tới đây, có lẽ phần đông độc giả cho tôi là một Đại đức hay ít ra một Phật hữu. Thực ra, tôi không phải là một Phật tử theo danh xưng và ở hình thức, nhưng không phải vì thế mà tôi không mang trong thâm tâm một cái gì của đạo Phật. Một lần kia bên Ý, mấy người bạn Tây diễu tôi: Mầy cũng là một Phật tử đấy. Và tôi đáp ngay: Đúng, tôi là Phật tử một cách nào đó, vì tôi không thể chối bỏ nguồn gốc của tôi. Phải, ít hay nhiều, tôi đương sống cái nguồn gốc đó! Tam giáo đã góp phần lớn vào việc tạo thành con người tâm lý sâu xa của tôi, và từ nền tảng ấy, tôi đã nhận lấy Kitô giáo. Vậy, nói cho đúng ra, tôi là một Kitô hữu mang sắc thái Tam giáo. Và chỉ có thế, tôi mới đúng là một Kitô hữu, bởi lý do là một đạo nhập thể, đạo của Thiên Chúa thành người.
Cho nên, hành hương Ấn Độ, tôi không muốn chỉ là một học giả, mà còn muốn thực hiện một cuộc “Về nguồn” nào đó cho mình và cho biết bao nhiêu người Việt khác.
24 Bảy
Máy bay hạ cánh, tạm dừng ở phi trường Nhã Điển giữa một buổi trưa hè chói sáng. Tuy không được viếng thăm Nhã Điển, nhưng cuộc dừng chân tại đây gợi cho tôi nhiều ý nghĩ. Nhã Điển là nơi phát xuất thứ nhất của văn minh Tây phương, nơi mà tôi đang muốn từ giã để tìm về cánh trời êm ả Đông phương. Tuy nhìn nhận Đông phương văn minh hơn Tây phương, vì “người” hơn và “tinh thần” hơn, tôi vẫn coi Tây phương như một bổ túc cho Đông phương, và ngược lại. Dẫu thế, tôi không thể là một cuộc hòa đồng, vì tôi chỉ có thể đón nhận Tây phương trong tinh thần đối thoại, nếu biết dừng lại ở chỗ mà từ đấy tôi đã thoát sinh, tức Đông phương.
Điều đáng buồn chỉ là ở chỗ Tây phương đang có ưu thế về khoa học, kỹ thuật và kinh tế, nên người bên Đông lóa mắt đã tưởng lầm bên mình không có gì đáng kể, coi như chỉ có thứ văn minh “tàn nhẫn” kia mới là văn minh thôi (tôi nói “tàn nhẫn” vì nó “khách quan”, và hướng về việc “chế ngự” vạn vật nhiều hơn “làm người”).
25 Bảy
Phi cơ hạ cánh xuống phi trường Bombay vào lúc 5 giờ rưỡi sáng, khi trời còn tối các nhân viên quan thuế có lẽ còn ngái ngủ, nên việc khám xét sơ sài.
Bombay, một cửa biển đẹp như Napoli và đẹp giống Napoli! Bombay, thành phố khá “Tây” của Ấn Độ và quan trọng bực nhất về kỹ nghệ và kinh tế của xứ này!
Cách đây mấy năm, Bombay là nơi thứ nhất bên Á châu được dịp đón tiếp một vị Giáo hoàng, Đức Phalô đệ lục. Trong dịp ấy, một tờ báo bên Tây, muốn trình bày tính cách “thừa sai” của cuộc thăm viếng đã in hình chụp Đức Phaolô ngồi bên Tổng thống Ấn Độ. Vẫn còn cái quan niệm ngây thơ về thừa sai, một quan niệm thực dân tôn giáo!
May thay, trong dịp ấy (dịp Đại hội Thánh thể thế giới), một cuộc hội thảo quy tụ nhiều học giả Kitô giáo đã bàn đến chân giá trị của các tôn giáo Đông phương. Không may, những Giám mục các nước Á châu khác, trừ một đôi vị, đều vắng mặt.