NỘI DUNG
1. SỨ MỆNH TRIẾT LÝ ĐÔNG PHƯƠNG
2. TÂM ĐẠO
3. TÍNH CHẤT NĂNG ĐỘNG CỦA TRIẾT NHO
4. VẤN ĐỀ PHẠM TRÙ TRONG TRIẾT ĐÔNG
5. QUẢ DỤC
6. HÌNH ẢNH CON NGƯỜI CẦN PHẢI CÓ
TỰA
Nhan đề sách nói lên phương pháp tỉ giáo mà chúng tôi sẽ áp dụng cho toàn bộ triết lý an vi. Tỉ giáo hay là so đo giữa cái này với cái kia là lối giúp nhiều nhất cho việc nhận thức ra sự dị biệt, cũng như chỗ hay chỗ dở của mỗi bên. Ở đây so sánh hai nền triết lý Đông Tây tức là so sánh Đông Tây ở đợt sâu xa nhất. Vậy mà ngay từ đó cũng đã có khác biệt nhau thì sự dị biệt thuộc cơ cấu chứ không phải chỉ hời hợt có tầng ngoài, cho nên Kipling vẫn có lý khi nói “đông là đông, tây là tây và chẳng bao giờ hai bên đồng một”. Nhưng cũng chẳng nên đồng nhất mà chỉ nên thống nhất tức hòa một, để bổ túc cho nhau đặng tạo ra nền văn hóa nhân sinh phong phú tràn đầy.
Không may cho tới nay con người lại đi lối đồng nhất: tây đồng hóa đông, và đông thuận tình đi theo con đường đồng nhất đó. Nhưng đồng nhất là tai họa như chính triết tây đang bị. Vì thế chúng ta sẽ mở ra con đường hòa hợp, thống nhất. Và bước đầu sẽ là nghiên cứu ở đợt cao nhất là triết xem hai bên có những dị biệt nào. Và khi ấy chúng ta mới nhận ra là những nét dị biệt đó lại cần ngay cho triết tây nữa, chứ không riêng gì cho triết đông. Vì thế sẽ mở đầu bằng bài sứ mạng triết đông để nói lên nhiệm vụ cao cả của nó, nghĩa là nó không nên tự coi mình như một môn tri thức suông nhưng là một nghĩa vụ cao cả cần thiết cho con người ở tại vun tưới những nét đặc trưng của triết đông để chữa trị chứng bệnh thiên lệch của thế giới hiện nay là chứng một chiều kích. Vậy những nét đặc trưng đó, những dị biệt đó tóm vào ba mối là vô, động, lưỡng, hay nói rõ hơn là:
Giữa hữu với vô
Giữa tĩnh với động
Giữa nhất với lưỡng
Nét dị biệt đầu tiên giữa hữu với vô là triết tây xây trên hữu thể còn triết đông xây trên vô thể. Và đó là bài Tâm đạo. Bài II này nhấn mạnh đến triết Ấn Độ, quê hương của vô thể, vô vi.
Nét hai là động được bàn trong hai bài. Bài III bàn về năng động tính của triết đông. Bài này sẽ nhấn mạnh đến kinh Dịch; còn bài IV coi như hệ luận của động là tính chất phạm trù nước đôi gọi là Hồng phạm cửu trù. Phạm trù của Nho giáo ăn từ hữu hạn sang bên hồng phạm vô biên. Đây là hai bài quyết liệt nói lên lưỡng nhất tính của triết nho là nền triết chuyên bắc cầu giữa thiên với địa để gây nên cuộc thông hội, được biểu lộ ra bằng ngũ hành. Vậy hành sẽ là nét dị biệt quan trọng thứ ba của triết đông. Triết tây hướng về khoa học thực nghiệm nên nếu có hành thì lấy sự vật làm đối tượng. Còn triết đông thì lấy con người làm then chốt nên hành hướng vào con người, vì thế triết không chú trọng đến biết chỉ để mà biết, nhưng biết để mà hành. Do đó triết được coi như minh triết, và triết lý mang nhiều tính chất xã hội, chính trị, luân lý nên cũng gọi là Đạo học. Đó là hai bài V và VI. Đây cũng là hệ luận của nét hai là lưỡng nhất tính nhưng ở hai bài III, IV là hòa giữa thiên địa nhân. Còn ở hai bài V, VI là hòa giữa ý, tình, chí, mà hậu quả là hành theo sau học, quen gọi là học hành. Đó là vấn đề lớn nên sẽ dành cho các năm chứng chỉ (như Tâm Tư), còn đây vì là bước đầu nên chỉ bàn ghé qua bằng đưa ra một hai điểm có thể hiện thực liền thí dụ quả dục. Đó là đại để nội dung tập sách.
Quyển này gồm những bài đầu tay nhằm khua động tâm thức độc giả để nhìn nhận trở lại những giá trị tinh thần của đông phương đang bị hiểu lầm nên có phần hơi mạnh, mới đọc tưởng như một trái bom chống văn hóa tây phương, kỳ thực cùng lắm đó chỉ là tiếng nổ đi trước các tổng hợp, thiếu nó thì chỉ là tổng cộng. Thiếu tiếng nổ thì dưỡng khí và khinh khí không thành nước, cũng thế thiếu tiếng nổ trong văn hóa thì các yếu tố tây phương và đông phương sẽ mãi mãi nằm chình ình bên cạnh nhau, tản mát tán loạn mà không làm nên được một luồng tư tưởng mới.
Tư tưởng mới của ngày mai sẽ mang tính chất tâm linh, tư tưởng của hôm qua thì duy lý. Tâm linh không chống lý trí nhưng duy lý chặn đường tâm linh, nên tư tưởng hôm nay phải đả phá duy lý để dọn đường cho tâm linh. Sự đả phá này khởi đầu do chính người tây phương khai hỏa. Vậy thì đó quả là sự nổ vỡ, nhưng không phải giữa đông với tây cho bằng giữa cũ với mới. Sở dĩ có thể nói đông và tây là vì đông còn giữ được Truyền Thống tâm linh nhiều hơn.
Đó là một hai nhận xét cần thiết phải đặt nổi để văn hóa có thể đi đến triệt để. Triết lý không phải ngoại giao nhưng là một sự đi tìm cầu chân lý mà chân lý chỉ tìm được ở chỗ cùng cực (Đạo vật chí cực). Vì thế hết mọi thiên tài đều đi đến cùng cực: tout génie est radical, cần phải nổ thì cứ nổ, thiếu nó thì chỉ là việc khảo cứu suông mà không gây nên được một nền thống nhất sống động cho văn hóa.
Những bài này được viết vào quãng năm 1956-1961 nên có vài điều thuộc thời sự đã bị vượt qua, thí dụ địa vị quá thấp kém dành cho triết đông trong thời ấy (triết tây 48 giờ, triết đông chỉ có 12 giờ), hoặc sự nhấn mạnh việc cần trở lại với nền cổ học đông phương (thì nay đã có khá rồi). Tuy thế tất cả được in ra y nguyên để chúng ghi lại ấn tích của giai đoạn giao thời, cũng như những khó khăn mà thế hệ chúng ta đã phải khắc phục trong việc đòi lại chủ quyền văn hóa cho quê nước.
Đã đưa lên trọn 20 cuốn sách của Gs. Kim Định. Mời vào gia trang Kim Định