Tựa
Tập này nhằm khai quật nền triết hàm tàng trong 15 truyện đầu quyển Lĩnnh Nam Trích Quái hầu hết xoay quanh Hùng Vương, nên đề nghị gọi phần này là Kinh Hùng. Sách tuy mới xuất hiện vào thế kỷ 15 do Trần Thế Pháp thâu thập, rồi Vũ Quỳnh và Kiều Phú hiệu đính, nhưng cốt truyện thì hầu hết đã có lâu đời trước, như được chứng tỏ trong các đền điện, đồ cổ, cũng như các truyện tương tự tìm được trong các chi khác của Bách Việt như Mường, Mèo, Man, Thái, Tây Nguyên (miền Ban Mê Thuật), đủ chứng tỏ tính cách độc lập trước khi chịu ảnh hưởng của Tàu. Các truyện đó chứa đựng những chân lý nền tảng thuộc nhân văn nên trải qua mỗi đời đều được quý mến và coi trọng như lịch sử thiêng liêng của dân tộc cũng như của một nền văn hóa mà sử trình của nó gắn liền với vận hệ thuộc nền văn hóa nông nghiệp lúa Mễ, một nền văn hóa đã đạt tinh thần nhân chủ tức con người được sống tự do hài hòa trong những công thể đầy ứ tình người, với chiều kích tâm linh sâu thẳm.
Tinh thần ấy tuy vào thời Thái cổ đã nảy nở nhiều nơi trong những miền nông nghiệp, nhưng rồi lần lượt bị đánh bại do tinh thần du mục. Nền nông nghiêp lúa Mễ của Bách Việt tuy cũng bị du mục đả thương nhưng vì hòan cảnh đặc biệt nên nó không bị tiêu diệt, lại còn đuợc thăng hoa và kết tinh vào dân Lạc Việt một cách bền bỉ, nên nay có thể dùng làm cơ sở cho những suy luận về một nền triết lý nông nghiệp chính truyền. Giá trị chính truyền của cơ sở này còn được bảo đảm hơn nữa khi khoa khảo cổ đã khai quật lên những di vật chứng minh nội dung của các truyện huyền thoại kia. Khảo cổ liên hệ đến văn hóa Việt tộc có thể chia ra ba chặng quan trọng sau:
- Trước hết là văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn từ lối 10.000 năm trước công nguyên. Hòa Bình đã thuần phục được thú vật và xem ra đã khởi đầu nông nghiệp. Có thể đặt vào thời kỳ này truyện Hồng Bàng kỷ.
- Giai đoạn hai là Phùng Nguyên vào lối ba ngàn năm trước công nguyên: đồ gốm đã lên tới đỉnh cao, và bắt đầu có đồng thau. Đây là thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang.
- Giai đoạn ba là Đông Sơn: lối năm ba trăm băm trước công nguyên, đây là vào quãng cuối đời Văn Lang với những trống và thạp đồng rực rỡ, sẽ là đề tài cho quyển “Sứ Điệp Trống Đồng”.
Trong 15 truyện đầu, có 11 truyện nói về Hùng Vương như vai chính hoặc có nhắc đến tên vua. Còn lại bốn truyện thì 3 truyện về Lạc Long Quân thuộc Hồng Bàng kỷ, một truyện về Man Nương. Đại ý của 15 truyện nói lên mẫu người sống hết cỡ người, tự lực tự cường đủ mạnh để phá vỡ mọi ràng buộc dị đoan (3 vĩ tích của Lạc Long Quân) để vươn lên địa vị trung gian đứng giữa trời cùng đất (bánh tròn vuông), vì thế gồm những mẫu đề phổ biến như Au Cơ, Hùng Vương, Thánh Dóng, Tiên Dung… Đó là những tác nhân xây dựng nước Văn Lang lễ trị, ngược với võ trị do tinh thần du mục như sẽ được bàn dài trong sách này.
KINH HÙNG Khải Triết
KIM ĐỊNH
NỘI DUNG
Tựa.
Phần I: THAM LUẬN TRIẾT
Phi Lộ
1. Nét Song Trùng.
2. Khi người đi tìm người.
3. Triết lý số ba.
4. Cơ Cấu Kinh Hùng.
5. Xứ Nghệ.
6. Văn Lang Quốc.
7. Từ Còn Mẹ Đến Mất Mẹ.
8. Vang Vọng của Văn Lang Quốc.
9. Tổng Luận Kinh Hùng.
Phần II: CHÍNH KINH
Phi Lộ.
1. Truyện Hồng Bàng.
2. Truyện Ngư Tinh.
3. Truyện Hồ Tinh.
4. Truyện Mộc Tinh.
5. Truyện Trầu Cau.
6. Truuyện Đầm Nhất Dạ.
7. Truyện Phù Đổng Thiên Vương.
8. Truyện Bánh Dày Bánh Chưng.
9. Truyện Dưa Hấu.
10. Truyện Bạch Trĩ .
11. Truyện Lý Ông Trọng.
12. Truyện Việt Tỉnh.
13. Truyện Kim Quy.
14. Truyện Man Nương.
15. Truyện Núi Tản Viên.
Thêm Một Số Truyện.
Phần III: PHỤ TRƯƠNG
Giỗ Tổ Hùng Vương.