NỘI DUNG
1. TRỐNG QUÂN
2. LƯỢC ĐỒ BÀI VŨ SƠ NGUYÊN CỦA VIỆT TỘC
3. VIỆT TỈNH CƯƠNG
4. GIÁ TRỊ NHÂN CHỦ TRONG CON GIÁP
5. TRỐNG ĐỒNG, CHIẾC HOA QUỲ VĨ ĐẠI
6. TRIẾT LÝ TẢ NHẬM
7. NÉT CONG DUYÊN DÁNG CỦA VIỆT TỘC
8. THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA
9. Ở ĐỜI HAY ĐÔI CÁNH THIÊN NGA
10. ĂN: PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT Á CHÂU TRONG NƯỚC VĂN LANG
11. MẶC
12. NÓI: TÍNH THỂ SIÊU LINH CỦA TIẾNG VIỆT
13. LÀM
14. AN VI LUẬN
15. LÀNG XÃ: CÁI BỌC MẸ ÂU
16. TINH HOA VĂN HÓA VIỆT
17. BA VỤ TRỘM RÙA
18. HOÀNG KIM THỜI ĐẠI
19. KẾT TOÁN VỀ VIỆT NHO
TỰA
Tập này mang tên Văn Lang Vũ Bộ vì trọng tâm là sự phân tích cái cơ cấu bài vũ tối sơ của chủng tộc. Nét đặc trưng của văn hóa Việt là đầy Đạo hành vi, nên luôn luôn trình bày Đạo trong thế di động. Thế mà không gì biểu lộ di động rõ bằng ca vũ. Vì vậy tiên tổ đã dùng ca vũ để truyền Đạo cho con cháu. Nhờ đó, nhìn bước đi của đoàn vũ, ta có thể vẽ lại cơ cấu của Việt Đạo. Nắm được cơ cấu đó, rồi nhìn lại những chuyển động của đoàn vũ trên mặt trống đồng Ngọc Lữ, ta mới thấy rằng trong đó quả là kinh thánh của dân ta, là điển chương chói chang hơn hết diễn đạt nền Văn hóa nhiều ngàn năm của Việt tộc.
Xin tóm lược thứ tự của các chương. Vì đạo được Việt nho quan niệm là đường, là đi, (đúng hơn) là nhẩy, là ca vũ nên mở đầu là bài hát Trống Quân để nói lên nhịp song trùng sơ thuỷ. Rồi tới bài vũ đầu tiên gọi là lưỡng lưỡng tam tam. Hai số đó làm nên cái cơ cấu uyên nguyên được cụ thể bằng dạng tự chữ Tỉnh, cũng như được áp dụng vào vòng con giáp tức vào thời gian với không gian làm nên nền siêu hình Việt nho. Vì thế mà có hai bài Việt Tỉnh Cương với bài Vòng Con Giáp.
Vũ phải có hướng. cái hướng lớn lao hơn cả là tả nhậm được trình bày qua hai bài: Hoa Quỷ và Tả Nhậm.
Do đó cũng là nét cong duyên dáng của Việt tộc biểu lộ con đường không thẳng tắp cũng không ngang phè nhưng lượn cong cách uyển chuyển. Sợ rằng lại lạc vào suy luận viễn vông, nên đem theo bài Xử Thế (Hiệt Củ) tức áp dụng nét cong trừu tượng vào việc xử kỷ tiếp vật vậy.
Liền sau là phân tích năm động tác nền móng của con người: ở, ăn, mặc, nói, làm và thấy rằng tất cả đều vươn lên đến chỗ An vi, nên có bài An vi luận tiếp theo. Để An vi được cụ thể hóa hơn nữa thì thêm bài Làng xã: để thấy rõ triết ở đây không hư cấu mà nó bám sát thực thể sống động hơn hết là cái làng, mà linh hồn là nền tự trị xã thôn. Tinh hoa văn hóa Việt ở đó, và sự mất mát cũng ở đó, được tả bằng ba vụ ăn trộm rùa, tức ba lần làm hỏng mất đạo Việt. Bài cuối cùng là câu hỏi có Hoàng Kim Thời Đại chăng. Và câu thưa là Hoàng Kim phải ở tại hiện thực được nền triết Việt: không cần hỏi trong dĩ vãng có thời Hoàng Kim chăng, mà điều cần phải làm là có thiết lập cho được thời Hoàng Kim Thời Đại.
Nền triết Việt nho ở tại chỗ đó.